PV: “Bão” giá đang tăng từng ngày, từ mớ rau con cá đến nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Ông nhận định gì về tình trạng này?

Ông Vũ Vinh Phú: Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát, CPI tháng 5/2022 tăng 2,86% so với tháng 5/2021. Bình quân 5 tháng, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước. CPI tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ giá xăng dầu, LPG tăng theo giá thế giới, giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu ăn uống, đi lại, du lịch hồi phục trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Giữ CPI dưới 4% là rất khó khăn
Ông Vũ Vinh Phú

Giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất, cước vận chuyển, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, logistic… tăng lên đẩy hàng hóa lên theo.

Riêng về xăng dầu, tính đến 13/6 đã lên tới trên 32.000 đồng/lít, tăng 12 lần và giảm 3 lần, tăng khoảng 50% so với đầu năm, là mức tăng rất cao. Việc tăng giá là tất yếu vì chúng ta phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Hai nhà máy lọc dầu mới đảm bảo 70% công suất, chúng ta phụ thuộc vào thế giới nên phải tăng giá.

Điều đáng bàn là tăng như thế nào để doanh nghiệp sống được, người dân chịu đựng được, vì xăng dầu chiếm 3,6% chi phí toàn xã hội và 1,5% chi tiêu trong gia đình. Tôi cho rằng, đến giờ 1 lít xăng tăng gấp rưỡi là quá sức chịu đựng. Điều nguy hại hơn của xăng tăng giá đó là làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị suy giảm, kể cả xuất khẩu và cạnh tranh ngay thị trường nội địa.

Còn đối với tiêu dùng, trải qua 2 năm đại dịch, thu nhập thực tế của người dân bị teo tóp. Trong bối cảnh đó, giá xăng dầu tăng cao chưa từng có như hiện nay, người dân lại càng khó khăn hơn. Tôi hay nói rằng, hãy đến những bữa cơm công nhân để ăn cùng với họ, mới biết đời sống của người dân ra sao.

Vậy giá xăng dầu ở mức nào là phù hợp, tôi cho rằng cần cân nhắc xem xét giảm thuế phí để giảm giá xăng dầu. Trong đó, cần tính toán giảm thuế; giảm lợi nhuận định mức; chi phí trong chuỗi cung ứng xăng dầu cần được kiểm toán, xem xét lại có thể giảm được không; điều tiết từ quỹ bình ổn giá xăng dầu; tính toán đến việc nhập hàng từ nguồn rẻ hơn… Như vậy, vẫn còn dư địa để giảm giá xăng dầu.

Giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian qua đã khiến nhiều loại thực phẩm, hàng hóa đồng loạt ăn theo.
Giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian qua đã khiến nhiều loại thực phẩm, hàng hóa đồng loạt ăn theo.

PV: Trong các nguyên nhân khiến giá cả đội lên cao, ông hay nhắc đến vai trò của hệ thống phân phối quốc gia, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều, thưa ông?

Ông Vũ Vinh Phú: Đúng là về lâu dài vẫn phải giải bài toán cung cầu, chuỗi phân phối hàng hóa, để giảm giá thành.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã từng nhận định, sự yếu kém của hệ thống phân phối thể hiện ở chỗ, hàng hóa, nhất là nông sản thực phẩm, mặc dù đạt tiêu chuẩn theo quy định của các siêu thị, nhưng kết quả của hàng nghìn sự kết nối được tổ chức trong các năm vừa qua mới thực hiện được khoảng 15 - 20%.

Giao dịch mua bán hàng hóa ở Việt Nam ít được công khai minh bạch, thiếu thông tin bởi chưa có một hệ thống các chợ đầu mối vùng đúng tiêu chuẩn của khu vực. Hiện ở Việt Nam chưa có những sàn giao dịch hàng hóa nông sản, thực phẩm nằm trong các chợ đầu mối hoặc hoạt động độc lập, mua bán không có hóa đơn chứng từ, thanh toán bằng tiền mặt khá phổ biến. Chính sự giao dịch không minh bạch như vậy gây thua thiệt cho người sản xuất, trong bối cảnh một nền kinh tế chia sẻ chưa được hình thành một cách tự giác và phổ biến ở thị trường Việt Nam.

Những nút thắt kể trên đã gây ra những hậu quả không thể lường hết được cho sản xuất và đời sống tiêu dùng, làm mất đi sự cạnh tranh công bằng, minh bạch của hàng hóa. Những nút thắt này đã làm cho sản phẩm hàng hóa bị đẩy giá lên cao, không cạnh tranh được với hàng hóa hội nhập và nguy hiểm hơn, những người làm ra những sản phẩm sạch, đạt chất lượng bị thua thiệt, hàng hóa tốt bị bán lẫn lộn với hàng hóa không đạt tiêu chuẩn ở ngoài thị trường tự do, bởi rất khó chen chân vào một số siêu thị mang tính chất độc quyền mua trên thị trường.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy, chi phí logistics ở Việt Nam ở mức rất cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vì giá thành sản phẩm mất đi tính cạnh tranh.

PV: Hiện nay lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhưng do dịch bệnh, người dân nhất là người nghèo, yếu thế trong xã hội hiện đang rất khó khăn do giá cả tăng. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế cũng như đảm bảo đời sống người dân?

Ông Vũ Vinh Phú: Việc Việt Nam chịu áp lực lạm phát cao không có gì là lạ, đặc biệt là áp lực lạm phát không chỉ đến từ giá dầu, mà còn nhiều yếu tố khác nữa. Chính vì vậy, việc giữ lạm phát dưới 4% trong năm 2022 là rất khó khăn, đòi hỏi một sự cố gắng vượt bậc bằng nhiều giải pháp và chính sách cụ thể từ tầm vĩ mô cho đến các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.

Để lạm phát đạt mục tiêu đề ra, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, cần phải khắc phục những khó khăn ở trên bằng cách từng bước chủ động dự trữ năng lượng, tìm kiếm những nguyên vật liệu, phụ liệu ở trong nước cũng như ở các nước khác, để tránh phụ thuộc vào một vài quốc gia khi có những biến động làm bất lợi cho nền kinh tế nước nhà.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương kết nối lại các chuỗi cung ứng phục vụ cho xuất nhập khẩu, hàng hóa, nguyên vật liệu và tiêu thụ ở thị trường nội địa; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, giảm bớt các chi phí vận chuyển, logistics nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ngay tại thị trường nội địa nhằm giảm bớt áp lực lạm phát.

Đi đôi với phát triển sản xuất, cần tổ chức lại hệ thống phân phối quốc gia; củng cố hệ thống phân phối nội địa một cách vững chắc; kiên quyết xử lý hiện tượng thao túng ở khâu bán lẻ của một số thương hiệu có thế mạnh làm cho giá cả bị đẩy lên một cách vô lý trên thị trường. Cùng với đó cần tiếp tục cải cách thể chế tạo thông thoáng, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!