Cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu giám sát hoạt động xuất nhập khẩu

Cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu giám sát hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu qua hệ thống trực tuyến. Ảnh: Hải Anh

từng bước đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm xuyên quốc gia…, đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Các ngân hàng đều có bộ phận chống rửa tiền

Từ cuối năm 2013, lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF - cơ quan liên chính phủ được thành lập tại Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 7/1989) đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thiếu hụt nghiêm trọng về cơ chế PCRT và tài trợ khủng bố. Để có được kết quả này, kể từ tháng 5/2007, Việt Nam đã gia nhập Nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương về PCRT và chống tài trợ khủng bố (APG). Đến năm 2009, Việt Nam đã hình sự hóa hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố, thông qua việc bổ sung tội danh này vào Bộ luật Hình sự.

Năm 2012, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật PCRT nhằm ngăn chặn hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố. Trong đó, khoản 2, điều 1 của luật ghi rõ: "Việc phòng, chống hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố được thực hiện theo quy định của luật này, quy định của Bộ luật Hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố". Chỉ một năm sau (năm 2013), Quốc hội Việt Nam tiếp tục thông qua Luật Phòng, chống khủng bố. Luật này quy định rõ về hành vi tài trợ cho khủng bố khá cụ thể và có sự tham khảo theo chuẩn mực quốc tế về chống tài trợ cho khủng bố quốc tế.

Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, Chính phủ Việt Nam đã luôn quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành thực thi công tác PCRT, chống tài trợ khủng bố một cách thiết thực. Tháng 11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về PCRT và APG giai đoạn 2015 - 2020. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là xây dựng một cơ chế PCRT và APG có hiệu quả ở Việt Nam; thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế về việc xây dựng cơ chế PCRT, APG của Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về APG; tham gia chương trình phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên
Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên bắt giữ, xử lý đối tượng Vuoch Hea (ngoài cùng bên phải) buôn lậu 213 lượng vàng và 100 triệu Riel. Ảnh: Kim Phượng

Hiện nay Việt Nam đã triển khai các biện pháp về PCRT trong hệ thống các tổ chức ngân hàng – tài chính. Cụ thể, mỗi tổ chức ngân hàng đều có một ban chỉ đạo chống rửa tiền và các quy định riêng về chống rửa tiền, phương án cụ thể về phòng, chống khủng bố và xử lý các tình huống liên quan, nhằm bảo đảm đến mức cao nhất an ninh, an toàn về người, tài sản và hoạt động ngân hàng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Theo sự phân công, chỉ đạo của Chính phủ, nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã quan tâm chỉ đạo lực lượng hải quan tích cực, chủ động trong công tác PCRT, APG. Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch PCRT giai đoạn 2012 - 2015; đang triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về PCRT và APG giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định số 2112/QĐ-TTg.

Nâng cao hơn nữa sự phối hợp giữa Hải quan và ngân hàng

Theo đánh giá của ngành Hải quan, thực hiện các chủ trương của Chính phủ và Bộ Tài chính, đến nay, nhận thức của cán bộ, công chức trong ngành với nhiệm vụ PCRT, APG đã được nâng lên. Việc kiểm soát tại các cửa khẩu đảm bảo chặt chẽ, đáp ứng được các cam kết của khung tiêu chuẩn về an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu của Tổ chức Hải quan thế giới.

Hàng năm, lực lượng hải quan chủ trì và phối hợp với lực lượng chức năng tại các cửa khẩu đường bộ, đường hàng không, phát hiện, xử lý hơn 30 vụ vận chuyển tiền, ngoại tệ, kim loại quý, trị giá hàng chục tỷ đồng; ra quyết định khởi tố hơn 10 vụ việc có tính chất nghiêm trọng.

Để thực thi nhiệm vụ được giao, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã có hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế xây dựng giáo trình đào tạo PCRT cho cán bộ chuyên trách trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Giáo trình đào tạo của cơ quan hải quan đã lựa chọn, tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ công chức hải quan thực thi nhiệm vụ hệ thống pháp luật PCRT của một số nước phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Anh, Úc…

Bên cạnh đó, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cũng đã có đánh giá thực tế công tác PCRT của lực lượng hải quan trong những năm qua, chỉ ra hạn chế và xác định mục tiêu hành động trong thời gian tới. Theo lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, những vụ việc do cơ quan hải quan phát hiện, xử lý chủ yếu mới chỉ là các hoạt động bề nổi, đơn lẻ của các cá nhân, đường dây nhỏ vận chuyển trái phép tiền, ngoại tệ qua biên giới. Tuy nhiên, có thực tế là hiện nay hoạt động rửa tiền của tội phạm thông qua giao dịch buôn bán, xuất nhập khẩu, thì cơ quan hải quan chưa thâm nhập và phát hiện được. Hơn nữa, công tác phối hợp ngăn chặn tội phạm rửa tiền với các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngân hàng chưa có sự kết nối thông suốt.

Cũng theo Cục Điều tra chống buôn lậu, để hoạt động PCRT đạt hiệu quả cao, đơn vị đã thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan xây dựng và tổ chức PCRT. Đồng thời, đơn vị đề xuất và phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về các đối tượng vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và phần mềm quản lý ngoại hối đối với hành khách xuất nhập cảnh; phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng quy chế trao đổi thông tin giữa Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục PCRT (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Nhằm ngăn chặn hành vi vận chuyển tiền, ngoại tệ trái phép, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2016/NĐ-CP, tăng mức xử phạt vi phạm hành chính với hành vi vi phạm quy định về khai hải quan của người xuất cảnh đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam lên đến 50 triệu đồng.
Theo đó, người không khai báo hải quan cửa khẩu khi mang ngoại tệ vượt quá 5.000 USD hay 15 triệu đồng sẽ bị phạt tiền tới 50 triệu đồng; phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 100 triệu đồng Việt Nam trở lên mà không phải là tội phạm.

Mạnh Quân