Hàn Quốc đang lên kế hoạch dành ra 9,6 tỷ USD để ngăn chặn sự sụp đổ ngành công nghiệp đóng tàu của nước này, bằng chứng mới nhất về tác động tiêu cực của suy thoái kéo dài trong thương mại toàn cầu.
Trong nhiều thập kỷ, đóng tàu đã là một lực đẩy quan trọng trong nền kinh tế Hàn Quốc. Nước này là quê nhà của ba hãng đóng tàu lớn nhất thế giới về số đơn đặt hàng và năm ngoái ngành đóng tàu đóng góp 7,6% xuất khẩu của Hàn Quốc.
Nhưng số đơn đặt hàng giảm mạnh đã đè nặng lên ngành công nghiệp này kể từ sau năm 2008. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã kéo tụt nhu cầu của các hãng vận tải quốc tế và hạ chi phí của các công ty đóng tàu Trung Quốc, tạo cơ hội cho các hãng này bắt đầu "ăn" vào thị phần của Hàn Quốc. Sự trì trệ gần đây của thương mại toàn cầu đã đẩy các công ty đóng tàu của Hàn Quốc gần bờ vực phá sản.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Hàn Quốc, đơn đặt hàng đóng tàu mới mà Hàn Quốc giành được trong chín tháng qua đã giảm 87% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tất cả các nhà máy đóng tàu lớn của Hàn Quốc, trong đó có cả nhóm ‘big 3’ - Hyundai Heavy Industries, Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering và Samsung Heavy Industries - đã bán các tài sản không cốt lõi và cắt giảm nhân viên theo kế hoạch tái cơ cấu hợp tác với các ngân hàng.
Công ty tư vấn McKinsey & Co nói trong một báo cáo đầu tháng này rằng Daewoo nhiều khả năng sẽ không tồn tại qua năm 2020 nếu suy thoái thị trường vẫn tiếp diễn. Daewoo cho biết báo cáo này đã bị phóng đại.
Số tàu container hiện nay đã dư thừa, vì không đủ hàng hóa chất lên diễn ra trong vài năm qua đã dẫn đến giá cước vận tải thấp kỷ lục, đe dọa ngành công nghiệp và đẩy các chủ hãng vận chuyển tiếp tục cắt giảm hoặc trì hoãn các đơn đặt hàng tàu mới.
Hôm thứ Hai, ba công ty vận tải lớn nhất của Nhật Bản về doanh thu cho biết họ sẽ sáp nhập hoạt động kinh doanh vận tải container của mình để đối phó với sự suy giảm toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc, Yoo Il-ho, cho biết hôm thứ Hai rằng chính phủ sẽ giúp các công ty đóng tàu đối phó với việc mất các đơn hàng bằng cách trực tiếp đặt hàng hoặc hỗ trợ tài chính cho hơn 250 tàu - giá trị khoảng 11 nghìn tỷ Won (9,6 tỷ USD) – đến năm 2020.
Khoảng một nửa sẽ là tàu thuyền cho các công ty vận tải nhỏ và ngành công nghiệp đánh bắt cá. Phần còn lại sẽ được sử dụng cho chính phủ, như tàu cảnh sát biển và tàu chiến, cũng như phà và tàu tuần tra.
Hiện chưa rõ kế hoạch này có thể giúp các công ty tồn tại.
Các quan chức tại một số các công ty đóng tàu lớn cho biết kế hoạch này không như kỳ vọng, vì đơn đặt hàng được chủ yếu nhắm vào các xưởng đóng tàu nhỏ hơn. "Nó không giải quyết vùng trũng trong đơn đặt hàng các tàu lớn và có lợi nhuận như tàu container và tàu chở dầu", một quan chức nhà máy đóng tàu cho biết.
Nhưng nhà phân tích đóng tàu Yu Jae-hun, của hãng Đầu tư và Chứng khoán NH, cho biết kế hoạch này sẽ đưa các nhà máy đóng tàu vượt qua thời kỳ suy giảm các đơn đặt hàng trên toàn cầu từ năm 2018, dựa trên phân tích của ông về các chu kỳ kinh doanh.
Quyết định bơm hàng tỷ USD chi tiêu công vào công ty đóng tàu cho thấy vai trò quan trọng của ngành này trong nền kinh tế của Hàn Quốc. Thứ trưởng Bộ Thương mại, Jeong Marn-ki, cho biết hôm thứ Hai chính phủ hy vọng giữ nhóm “big 3” đóng tàu hiện nay, mặc dù sẽ yêu cầu họ thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nghiêm ngặt hơn, bao gồm cả việc cắt giảm sâu và bán đi các mảng kinh doanh không cốt lõi.
Ba công ty đóng tàu lớn nhất của nước này sẽ phải cắt giảm 32% tổng số lao động của họ đến năm 2018 và giảm 23% hoạt động kinh doanh hiện tại, chính phủ cho biết./.
Ngọc Trang (theo Wall Street Journal)