Hướng tới nền nông nghiệp xanh, trách nhiệm, hiệu quả
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồ họa: Phương Anh

Xây dựng nền nông nghiệp xanh là đòi hỏi tất yếu

Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm qua và trở thành 1 trong 5 nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nông nghiệp đang bảo đảm sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; chiếm 30% lực lượng lao động cả nước và chiếm tỷ trọng gần 12% GDP.

Đặc biệt, nhìn lại năm 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về thị trường, nhưng xuất khẩu toàn ngành Nông nghiệp vẫn đạt được các kết quả nổi bật: GDP toàn ngành tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 3,83%; giá trị xuất khẩu đạt hơn 53 tỷ USD, tiếp tục khẳng định vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là kết quả của một ngành Nông nghiệp thích ứng khá nhanh, các cộng đồng doanh nghiệp, người nông dân có phản xạ khá tốt trước những biến động của thị trường trong nước và quốc tế.

Có thể thấy, thành công của nông nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây rất đáng ghi nhận, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, người nông dân đang phải đối mặt với không ít thách thức như: áp lực suy thoái tài nguyên, sâu bệnh phá hoại mùa màng...; chưa kể chi phí “đầu vào” tăng cao, giá trị sản phẩm thấp hay vấn nạn mất an toàn thực phẩm.

Theo GS,TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp, mô hình tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam hiện nay còn bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại. Nền sản xuất dựa vào năng suất và sản lượng đã giúp Việt Nam nhanh chóng đảm bảo an ninh lương thực nhưng sẽ không còn thực sự phù hợp với nền sản xuất hàng hóa, tư duy kinh tế.

Mặt khác, năng suất cây trồng, vật nuôi đều đã gần chạm ngưỡng, trong khi dễ dẫn tới tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Để đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới, chất lượng, an toàn thực phẩm gắn với “xanh hóa” trở thành một yêu cầu cấp bách hiện nay…

Phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng xanh, bền vững

Tam-Xa1-5734-1594895547-1200x0-9243-1656

Theo các chuyên gia, mục tiêu chính của nông nghiệp xanh - nông nghiệp trách nhiệm là cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng nông sản…; gia tăng năng lực sản xuất cho người nông dân cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Quan trọng hơn, đó là một nền nông nghiệp có trách nhiệm, an toàn, vì cộng đồng.

Để thúc đẩy tăng trưởng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ. Tiếp đó, Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 ban hành ngày 23/6/2020 với nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong nông nghiệp. Đặc biệt, Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành ngày 28/1/2022 được xây dựng trên quan điểm sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững…

Trao đổi với báo chí về định hướng phát triển nền nông nghiệp trong năm 2024 và giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Thế giới không đứng yên như chúng ta nghĩ, giờ người ta mua cách tạo ra sản phẩm, mua câu chuyện tạo ra sản phẩm của người nông dân, của ngành hàng. Điều này đòi hỏi, ngành Nông nghiệp phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng xanh, bền vững".

Vị tư lệnh ngành Nông nghiệp cũng chia sẻ thêm: “Chúng ta nói nhiều nhưng cần tường minh khái niệm kinh tế xanh là thế nào. Chữ xanh đi sau chữ nâu – trước đây vì sự phát triển mà làm biến dạng môi trường. Có lúc chúng ta nghĩ muốn tăng trưởng thì phải hy sinh môi trường, nhưng giờ đây khi áp dụng khoa học công nghệ vào thì vừa có thể tăng trưởng mà vẫn đảm bảo môi trường. Điều này đòi hỏi nông nghiệp Việt Nam cần thích ứng với xu thế thay đổi, xu hướng xanh hóa với toàn cầu. Đây là xu thế không đảo ngược và chúng ta cũng đừng mong trở lại ngày xưa. Muốn phát triển kinh tế xanh thì phải đẩy mạnh giáo dục về điều này ngay từ trong trường học. Chúng ta cần làm sâu sắc, lan tỏa tư duy kinh tế xanh, tức trên một đơn vị diện tích đó, thậm chí diện tích thu hẹp lại nhưng tạo hơn nhiều giá trị. Sau đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xanh mới đi theo”.

Để phát triển nông nghiệp xanh - nông nghiệp trách nhiệm, theo các chuyên gia, cùng với những cơ chế, giải pháp thúc đẩy các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…, ngành Nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, làm lành mạnh hóa thị trường buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Không những vậy, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, không tiếp tay cho việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, “nói không” với việc mua nông sản không rõ nguồn gốc, trôi nổi. Khi sản phẩm của nông nghiệp xanh - nông nghiệp sinh thái có vị thế trên thị trường, chắc chắn các sản phẩm được sản xuất một cách vô trách nhiệm sẽ không còn chỗ đứng.

Nông nghiệp Việt Nam luôn là bệ đỡ của nền kinh tế

Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung của chiến lược tiếp tục khẳng định vai trò của nông nghiệp, nông thôn trong việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và nêu rõ để phát huy được vai trò của nông nghiệp, nông thôn cần phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững về kinh tế – xã hội – môi trường. Bên cạnh đó, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm.