NU

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp Tổng thống Chile Michael Bachelet trong chuyến thăm tháng 7/2014.

Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị Nữ nghị sĩ

Trong hội nghị kéo dài 1 ngày, các thành viên tham gia sẽ được thông báo về các cuộc thảo luận của Ủy ban Điều phối tại phiên họp vào ngày 16/10/2014 tại Geneva (Thụy Sĩ) và thảo luận theo nội dung của phiên họp ngày hôm nay (28/3) tại Hà Nội. Những người tham gia cũng sẽ thảo luận về kết quả của phiên họp về tăng cường vai trò của Hội nghị Nữ nghị sĩ và Ủy ban Điều phối cũng như các khuyến nghị liên quan đến vấn đề này.

Tại phiên họp, các thành viên sẽ nhận được Bản đồ Chính trị Nữ giới 2015 - tài liệu đồng xuất bản bởi IPU và UN Women - một nghiên cứu về phụ nữ trong nghị viện từ năm 1995 đến năm 2015, cũng như những kết quả của các sự kiện nghị viện được tổ chức kể từ phiên thứ 59 của Ủy ban về Địa vị của Phụ nữ về việc thực hiện Hành động Bắc Kinh.

Để đóng góp cho IPU-132, các Nữ nghị sĩ sẽ được mời để thảo luận các chủ đề trong chương trình nghị sự về: Chiến tranh mạng - một vấn đề nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới (Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh Quốc tế); Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước - thúc đẩy hành động của nghị viện về nước (Ủy ban Thường trực về Phát triển Bền vững, Tài chính và Thương mại).

Phiên họp sẽ được chia thành hai nhóm thảo luận, mỗi nhóm một chủ đề. Dựa trên kiến nghị của Ủy ban Điều phối, phiên họp sẽ bầu ra một người điều hành và một báo cáo viên cho mỗi nhóm, qua đó thống nhất về các ý tưởng cho phiên toàn thể buổi chiều của Hội nghị Nữ Nghị sĩ.

Các thành viên tham gia cũng sẽ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị. Mục nghị sự này sẽ bao gồm một bài trình bày về các hoạt động kỷ niệm của IPU và các bài trình bày của những người tham gia về các hành động mà họ đã làm hoặc thực hiện tại quốc gia nhằm kỷ niệm ngày này.

Bình đẳng giới – ưu tiên hàng đầu của IPU-132

Chủ tịch IPU, ông Saber Chowdhury khẳng định, năm nay kỷ niệm 30 năm Hội nghị nữ Nghị sĩ và IPU-132 là cơ hội để đưa ra những sáng kiến, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào chính trị. Theo Chủ tịch IPU, bình đẳng giới là vấn đề quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của IPU-132.

Ông Saber Chowdhury cho biết: “Tuần trước, chúng tôi có cuộc họp tại New York (Hòa Kỳ) về quyền phụ nữ. Chúng tôi muốn thấy nhiều hơn nữa phụ nữ tham gia vào Chính phủ, giới lãnh đạo. Phụ nữ ở tầm cao nhất chưa có nhiều và chúng ta vẫn phải ưu tiên ở cấp cơ sở. Do đó, những chương trình nghị sự này rất quan trọng. Bình đẳng giới vẫn là một thách thức lớn và IPU sẽ đẩy mạnh nữa với các mục tiêu để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia thúc đẩy sự phát triển”.

Tổng Thư ký IPU Martin Chungong chia sẻ, IPU đang thúc đẩy bình đẳng giới và nâng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào đời sống chính trị. Trước đây, tỷ lệ nữ nghị sỹ là 11%, bây giờ là 22%. Có thể nói đã có tiến triển nhưng vẫn chưa đạt mức mong muốn. Do đó cần phải tìm cách trao quyền cho phụ nữ nhiều hơn, làm sao để dỡ “trần” phụ nữ tham gia vào chính trị.

Trong nhiều lĩnh vực, phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng, cần hỗ trợ họ nhiều hơn nữa trong những mục tiêu phát triển bền vững. Tuyên bố Hà Nội tại IPU-132 tới đây hi vọng là bàn đạp, là bước tiến vững chắc cho những mục tiêu cao hơn của IPU, trong đó có bình đẳng giới. “Tôi rất ấn tượng với tỷ lệ 25% phụ nữ là đại biểu Quốc hội của Việt Nam”, ông Martin Chungong nói.

Sắp tới, Hội nghị Nữ Nghị sĩ lần thứ 22 sẽ được tổ chức vào Kỳ họp Đại hội đồng IPU-133 (Colombia, tháng 10/2015).

H.Y