Trả lời: Về nguồn tăng thu so với dự toán để tạo nguồn cải cách tiền lương, ngày 21/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; theo đó quy định: Hàng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của NSĐP, khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách chính sách tiền lương.
Khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 quy định: “Không sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho đầu tư xây dựng cơ bản và các mục đích khác, trừ trường hợp nghị quyết của Quốc hội cho phép. Chính phủ chịu trách nhiệm về việc các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương thực hiện đúng quy định trong các nghị quyết của Quốc hội về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho các mục đích khác, bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo đúng Nghị quyết 27-NQ/TW”.
Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 34/2021/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 quy định: “Tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp”.
Vì vậy, đề nghị tỉnh thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 34/2021/QH15 của Quốc hội.