Quốc hội khóa XIV

Toàn cảnh buổi họp báo chiều ngày 18/10/2016, do Văn phòng Quốc hội tổ chức. Ảnh: DT

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra trong 26 ngày, với khối lượng công việc lớn. Theo thông lệ kỳ họp cuối năm của Quốc hội thường tập trung nhiều hơn cho việc xem xét, quyết định đối với các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tại kỳ họp này công tác xây dựng pháp luật được chú trọng và chiếm khoảng 63% thời gian của kỳ họp, do kỳ họp thứ nhất đã tập trung cho công tác nhân sự.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, tại kỳ họp này có 2,5 ngày dành cho chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung này sẽ có những thay đổi mới hơn theo hướng tăng tranh luận tại hội trường.

Theo đó, Quốc hội sẽ mời cơ quan báo cáo, bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời và làm sáng tỏ những nội dung đại biểu đặt ra. Thậm chí, “đại biểu Quốc hội có thể tranh luận trực tiếp với trưởng ngành ngay tại hội trường. Có thể sẽ thiết kế các biển báo để đại biểu có thể “giơ biển” thông báo muốn tranh luận thêm. Đồng thời, chủ tọa phiên chất vấn sẽ tạo điều kiện để tạo ra các cuộc tranh luận giữa Đại biểu với trưởng ngành được chất vấn”, ông Phúc nói.

Nguyễn Hạnh Phúc
Tổng Thư ký Quốc hội phát biểu tại buổi họp báo.

Bên cạnh đó, thời gian tranh luận, chất vấn sẽ không bị hạn chế theo giờ hành chính mà có thể “vượt ngoài giờ”. “Tinh thần là cố gắng để đại biểu nhận được hết những giải đáp, trả lời. Nếu vẫn chưa trả lời hết, thì cho phép Chính phủ trả lời chất vấn bằng văn bản”, ông Phúc chia sẻ.

Trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, kỳ họp lần này sẽ tiếp tục đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là hoạt động lập pháp.

Rút kinh nghiệm sau sự cố Bộ luật Hình sự có nhiều sai sót sau khi đã thông qua, trong quá trình thẩm tra dự án các luật tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tổ chức các hội nghị chuyên trách, tham khảo các ý kiến chuyên gia cho ý kiến vào các dự án luật. Luật nào còn những ý kiến trái chiều thì có thể “kéo dài thời gian xem xét, thảo luận”; đồng thời tăng các buổi họp tại tổ để các đại biểu thảo luận, nhằm nâng cao chất lượng của luật.

Trả lời cậu hỏi, vừa qua Bộ Tài chính đã thực hiện khoán xe công, tới đây các cơ quan của Quốc hội có "gương mẫu thực hiện chủ trương này hay không"?, ông Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ: “Chúng tôi hoan nghênh việc các bộ ngành khoán xe công. Về phía Văn phòng Quốc hội cũng đã sớm thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, để việc khoán xe công hiệu quả hơn nữa, bên cạnh việc nhân rộng thì cần đi vào thực chất nhằm giảm bớt được đầu xe,... Hiện nay, Quốc hội cũng đang xây dựng đề án khoán xe công và nghiên cứu làm sao cho hiệu quả hơn nữa".

Bên cạnh đó, vấn đề nợ công cũng được báo giới quan tâm tại buổi họp báo. Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, ngay tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa bế mạc cũng đã rất quan tâm tới vấn đề nợ công.

Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nợ công đang loanh quanh ở mức 63,5% GDP, trong khi trần cho phép là 65%. Trần nợ công ở mỗi nước có sự khác nhau. Hiện Chính phủ vẫn cam kết là không để nợ công vượt trần, không đẩy nợ đến mức báo động nguy hiểm.

“Còn nếu để nợ công vượt trần, trách nhiệm này thuộc cả phía Chính phủ và Quốc hội” – ông Phúc nói.

Duy Thái