Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương với phóng viên TBTCVN.

PV: Nửa đầu năm 2016, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng điểm sáng là thu hút FDI vẫn tăng cao. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Anh Dương: Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung trong 7 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới và tăng thêm là hơn 12,9 tỷ USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2015. Về vốn thực hiện, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được hơn 8,5 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, việc thu hút FDI vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế. Đặc biệt hơn, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như Mỹ điều chỉnh lãi suất, sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)… thì nhiều dự báo quốc tế cho rằng dòng vốn rút khỏi các nước đang phát triển có thể đạt 350 tỷ USD trong năm 2016, đặt trong bối cảnh đó, việc Việt Nam vẫn gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài và gia tăng giải ngân là một tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là điểm sáng này có bền vững hay không thì hiện chúng ta chưa có nhiều cơ sở để khẳng định. Bên cạnh đó, việc gia tăng dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam dường như là sự đón đầu của các nhà đầu tư nước ngoài trước cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán ký kết.

Nhà nước cần có các chính sách để gia tăng mạnh mẽ hơn nữa lợi ích từ thu hút FDI như tạo sức lan tỏa, chuyển giao công nghệ… để tạo nên sức bật cho sự phát triển bền vững của DN Việt, chứ lợi ích của thu hút FDI chỉ đơn thuần như thu ngân sách, tạo việc làm… thì chưa đủ

Nguyen Anh Duong

Ông Nguyễn Anh Dương

Theo đó, quá trình này đem đến cả những tác động hai chiều đối với DN Việt. Một mặt, tạo cơ hội để DN trong nước tăng cường mối liên kết với DN nước ngoài, cơ hội để DN Việt học hỏi kinh nghiệm, trao đổi hợp tác, nâng cao năng lực...

Tuy nhiên, mặt khác, sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh đối với DN trong nước, mà nếu DN nội không có sự chuẩn bị, không có chiến lược bài bản để cạnh tranh thì có thể bị thua ngay trên sân nhà và phần lớn lợi ích từ quá trình hội nhập sẽ thuộc về nhà đầu tư nước ngoài.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, thu hút FDI gia tăng là thành tựu, tuy nhiên những hạn chế về tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là những hệ lụy về ô nhiễm môi trường… vẫn đang là thách thức trong quá trình thu hút FDI. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Dương: Sau sự cố ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng từ dự án Formosa, dư luận nói nhiều đến những mặt trái, những hệ lụy trong quá trình thu hút FDI. Theo đó, đã đặt ra vấn đề Việt Nam cần chọn lọc trong thu hút dự án FDI cũng như nâng cao công tác quản lý, kiểm soát các dự án FDI.

Liên quan đến vấn đề chuyển giao công nghệ, bên cạnh yếu tố cần có các chính sách hấp dẫn để nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho DN Việt, thì việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ phụ thuộc phần lớn vào năng lực của DN nội. Trên thực tế, nhiều DN Việt vẫn chưa chú trọng đầu tư vào khoa học công nghệ, chưa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ… nên năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ còn hạn chế, thậm chí có những trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ nhưng DN nội cũng không tiếp nhận được.

Liên quan đến vấn đề tác động lan tỏa, khả năng liên kết giữa DN FDI và DN trong nước còn nhiều nan giải. Thực tế các DN, tập đoàn nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam họ đã có mạng lưới DN vệ tinh cung cấp riêng của họ và không có ràng buộc nào buộc họ phải liên kết với DN Việt hay mua đầu vào từ DN trong nước.

Do đó, quá trình liên kết này phải xây dựng trên cơ sở hợp tác và cần sự hỗ trợ của Nhà nước tạo lực đẩy tăng cường mối liên kết giữa DN trong nước với DN nước ngoài. Theo đó, Nhà nước đứng ra xúc tiến các cuộc gặp gỡ, giới thiệu DN trong nước với DN nước ngoài theo từng lĩnh vực hay theo nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, Nhà nước có thể nghiên cứu, xem xét đưa ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích DN nước ngoài tăng cường liên kết với DN trong nước. Thực hiện điều này sẽ đúng với tinh thần Nhà nước kiến tạo, hỗ trợ DN trong nước, chứ không chỉ dừng ở việc Nhà nước đơn thuần tìm các giải pháp để gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, tự bản thân DN Việt phải đổi mới, tìm hướng đi và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các đối tác nước ngoài…

PV: Ông nhận định như thế nào về xu hướng thu hút FDI từ nay đến cuối năm 2016?

Ông Nguyễn Anh Dương: Những tháng cuối năm 2016, thu hút FDI được dự báo vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng trong nửa đầu năm cả về tổng vốn đăng ký và vốn thực hiện. Thêm vào đó, FTA Việt Nam – EU đang bước vào giai đoạn “nước rút” trong đàm phàn phê chuẩn, cùng với việc Việt Nam tham gia TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập… sẽ là những cú huých kỳ vọng thúc đẩy gia tăng dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Tuy nhiên, điểm quan trọng trong thu hút FDI là chúng ta thực sự được hưởng lợi gì từ quá trình này. Theo tôi, nhà nước cần có các chính sách để gia tăng mạnh mẽ hơn nữa lợi ích từ thu hút FDI như tạo sức lan tỏa, chuyển giao công nghệ… để tạo nên sức bật cho sự phát triển bền vững của DN Việt, chứ lợi ích của thu hút FDI chỉ đơn thuần như thu ngân sách, tạo việc làm… thì chưa đủ.

Ngoài ra, nhà nước cần phải hướng dẫn các địa phương lựa chọn đối tác, dự án đầu tư cũng như tăng cường quản lý dự án FDI để tránh những tác động xấu đến môi trường như những sự cố xảy ra trong thời gian vừa qua…

PV: Xin cảm ơn ông!

Thiện Trần (thực hiện)