Lừa đảo núp bóng các khóa học làm giàu
Chiêu lừa like facebook là biến tướng của chiêu lừa lướt TikTok và like video là có tiền mà nhiều người đã là nạn nhân. Đồ họa: Văn Chung

"Tiến sĩ dạy làm giàu" bị tuyên án chung thân

Mới đây, ngày 25/4/2023, sau 7 ngày xét xử và nghị án, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Phạm Thanh Hải (57 tuổi, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế - Công ty IDT), còn được biết đến là "tiến sĩ dạy làm giàu", mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông Hải tổ chức các cuộc hội thảo, lập trang “học làm giàu”, tự giới thiệu là tiến sĩ, có tài đầu tư, kinh doanh. Còn Công ty IDT triển khai các dự án có lãi cao, làm giàu từ cây macca nhằm thu hút nhà đầu tư. Để chứng minh tính khả thi các dự án, ông Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất cao, từ 40 - 50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền. Đồng thời, nhà đầu tư được khuyến khích mở rộng mạng lưới với tiền thưởng kết nối từ 2 - 10%/hợp đồng.

Bằng cách thức nêu trên, ông Hải đã huy động hơn 2.725 tỷ đồng. Trong số vốn huy động được từ các nhà đầu tư, bị cáo chỉ dùng một phần rất nhỏ để đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa sinh lời.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi phạm tội của ông Hải đã đẩy nhiều người vào hoàn cảnh khó khăn, kiệt quệ về kinh tế, gây bất bình trong dư luận xã hội, cần áp dụng hình phạt cao nhất trong khung hình phạt của tội danh bị truy tố để đảm bảo sự răn đe.

Trường hợp lừa đảo bằng chiêu trò dạy làm giàu nêu trên không phải là cá biệt. Có thể thấy một thực trạng rất đáng báo động là thời gian gần đây tại khu vực quanh cổng trường đại học, nhiều địa điểm công cộng và đặc biệt là trên mạng xã hội, diễn đàn... xuất hiện dày đặc thông tin quảng cáo, giới thiệu về các khóa học làm giàu siêu tốc. Kèm với đó là những lời mời chào ấn tượng và hấp dẫn như: “Trở thành triệu phú ngay cả khi đang ngủ”, “Kiếm trăm triệu đồng dễ như trở bàn tay”, “Không thành công không phải trả tiền”, “Đánh thức giấc mơ triệu đô của bạn”…

Các khóa học này thường diễn ra từ vài buổi, đến vài chục buổi tùy theo nhu cầu của người học với mức lệ phí khác nhau. Thông thường, lớp học càng đông thì mức phí càng giảm, song thấp nhất khoảng 2,5 triệu đồng/khóa, có những lớp lên đến vài chục triệu đồng. Thậm chí, có những khóa học mà học phí lên đến vài trăm triệu đồng/người.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, ham muốn làm giàu là tâm lý rất bình thường của mỗi người. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý đó cùng với những chiêu trò đánh vào tâm lý khác, các đối tượng mở những lớp học đầy "ma mị" khiến cho những học viên đánh mất nhận thức của mình, cảm thấy sung sướng vì mình đang dần trở thành người thành công, giàu có. Điều này khiến con người ta dễ hưng phấn, dễ ra các quyết định sai lầm, mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo. Sau khi tham gia những lớp học dạy làm giàu này, thứ thu lại được của các học viên lại thường là những khoản nợ.

Mất gần 1 tỷ đồng bởi chiêu lừa like facebook kiếm tiền

Công an quận Long Biên, Hà Nội cho biết, đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn dạy kiếm tiến bằng cách like facebook. Nạn nhân đã bị mất gần 1 tỷ đồng. Đây là thủ đoạn lừa đảo mới rất tinh vi, người dân cần cảnh giác để tránh tiền mất, nợ mang.

Trước đó, vào ngày 5/4/2023, Công an phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của chị H (SN 1984, Long Biên, Hà Nội) về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cần tránh xa những lời "đường mật”

Trước vấn nạn lừa đảo trên mạng gia tăng, nhất là tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng, việc nhẹ lương cao, cơ quan công an đã có khuyến nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè các thủ đoạn của đối tượng lừa đảo, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chị được người quen biết trên mạng xã hội lôi kéo, dạy cách làm giàu công việc like trang facebook của các nghệ sỹ sẽ được tiền hoa hồng. Thấy việc nhẹ lương cao, chỉ việc ngồi nhà like facebook có thể nhận thù lao từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/ngày, bằng cả tháng lương đi làm vất vả, chị H đã nhận lời và thực hiện theo hướng dẫn và làm nhiệm vụ để nhận được tiền. Tổng số tiền chị đã chuyển vào tài khoản để mua gói nhiệm vụ do đối tượng yêu cầu là gần 1 tỷ đồng. Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, nên chị H đã đến cơ quan công an trình báo.

Theo cơ quan công an, trên thực tế, chiêu lừa like facebook kiếm tiền là biến tướng của chiêu lừa lướt TikTok và like video là có tiền mà nhiều người đã là nạn nhân. Đánh vào tâm lý thích "việc nhẹ lương cao", các đối tượng phạm pháp đã mời gọi, chỉ cần mỗi ngày dành 2 - 3 tiếng đồng hồ lướt TikTok và làm theo hướng dẫn là có thu nhập "khủng", có vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng ngày.

Điểm chung của những lời mời tham gia này đều nhấn mạnh vào việc kiếm tiền đơn giản, làm tại nhà, thu nhập tốt, hoa hồng cao, lương trả trong ngày... để đánh vào lòng tham, ảo tưởng kiếm tiền nhanh của nhiều người. Khi đã đồng ý với công việc, người tham gia sẽ được hướng dẫn xem video TikTok, like trang facebook của các nghệ sỹ bằng cách tải app, website trung gian và được biết đến các gói nhiệm vụ đặt tên theo cấp độ như vàng, bạc, đồng, kim cương hoặc VIP 1, VIP 2, VIP 3... tương ứng với các mức giá từ vài trăm ngàn cho đến hàng trăm triệu đồng. Gói nhiệm vụ có mức giá càng cao thì xem video càng nhiều và tiền hoa hồng cũng càng lớn.

Sau khi mua các gói nhiệm vụ giá trị lớn (tức người tham gia nạp số tiền cao), các app, website lừa đảo sẽ ngừng hoạt động, xảy ra lỗi hoặc thậm chí sập hẳn khiến người tham gia không còn rút được tiền. Lúc này, đối tượng môi giới cũng mất liên lạc, người tham gia chơi mới nhận ra mình bị lừa, tiền nạp vào không cánh mà bay./.