Mua bán trực tuyến - người vồ vập, kẻ thờ ơ
Không thể phủ nhận, xã hội hiện đại mà chúng ta đang sống đã hình thành một thị trường càng lúc càng lớn mạnh, nơi người mua có thể mua hàng rẻ hơn, tốt hơn, và tiện hơn. Đó là thị trường mua bán trực tuyến – shopping online.
Mua bán trực tuyến đang mang lại nhiều tiện ích và hiệu quả kinh tế. Nhưng xung quanh nó cũng nảy sinh không ít “điều qua tiếng lại”. Từ 1/7 này, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử có hiệu lực thi hành. “Cây gậy” này liệu có sức nặng đến đâu với việc điều hành thị trường mua bán trực tuyến đi vào trật tự?
![]() |
Hàng hóa trên mạng phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng |
Hiện ở Việt Nam có rất nhiều trang mạng tham gia vào hình thức kinh doanh này như mua chung, dealvip, zalora, sendo… Chưa kể, siêu thị nào cũng có trang điện tử, thu hút một lượng lớn khách đặt hàng qua mạng, với những ưu đãi riêng. Nói là hình thức kinh doanh này “béo bở”, bởi nhiều lẽ: Không cần đầu tư cửa hàng, không cần thuê nhiều nhân viên, chi phí quảng cáo, tiếp thị… Vậy nên, người ta đã nói không ngoa rằng, chỉ cần 500.000 đồng cũng có thể mở shop!
Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam cho biết trong 5 năm qua, có nhiều vụ lừa đảo bán hàng qua mạng giá trị lên tới vài trăm tỉ đồng, còn những vụ nhỏ thì không kể xiết. TMĐT Việt Nam đang phát triển nhanh, Nghị định mới về thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ hạn chế các hành vi vi phạm, tạo cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý xử lý vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời kích thích thị trường giao dịch mua bán qua mạng.
Chính vì thế, đã có khá nhiều sinh viên chọn nghề bán hàng qua mạng. Chỉ cần tạo một tài khoản trên các trang mua bán, bạn đã có thể mở cho mình một shop kinh doanh trên mạng. Với ưu điểm là tiết kiệm được nhiều chi phí, nên hàng hóa luôn được quảng bá là rẻ bằng 40 - 50% giá thị trường.
Tuy nhiên, sự thực rẻ được bao nhiêu, lại đòi hỏi sự “thông thái” của người tiêu dùng, bởi không phải ai cũng có điều kiện để khảo giá!
Mở các trang mạng ra, với mỗi món hàng chúng ta đều thấy tổng số lượng hàng, số lượng người đặt mua và số hàng còn lại được thông báo liên tục, và nhiều mặt hàng, lượt người đặt mua lên tới con số hàng nghìn. Các số liệu đó khiến ta dễ dàng nhận thấy, mạng trực tuyến thu hút rất nhiều người mua, nhất là vào thời điểm giữa hè nắng lửa này, khác hẳn với cảnh “đìu hiu chợ chiều” trên các cửa hàng ngoài phố hiện nay.
Nhiều người có kinh nghiệm mua hàng qua mạng quốc tế, đã chọn được rất nhiều mặt hàng ưng ý cả về giá và chất lượng. Có người “săn” được cả “hàng độc”, thậm chí là tài liệu quý.
Tuy nhiên, cũng không ít khách hàng lại phàn nàn vì phải chịu phiền toái như: Hàng hàng mẫu một đằng, nhưng hàng bán lại… một nẻo; hàng chưa phù hợp nhưng đã trót mua thì không trả lại được; nguồn gốc hàng khó xác định; chế độ bảo hành sơ sài, thường là không được bảo hành chính hãng vì là hàng “xách tay”… Do vậy, khi xảy ra khiếu kiện của khách hàng, thì kết quả phần thua thiệt lại thuộc về phía người mua.
Hiện tượng lừa đảo, gian lận cũng đã xảy ra ở lĩnh vực kinh doanh này. Một điển hình là Công ty CP Đào tạo Mua bán trực tuyến 24. Theo công bố của Cơ quan điều tra, tính đến cuối năm 2012, công ty này đã bán hơn 110.000 gian hàng điện tử trên web muaban24.vn, thu hơn 600 tỷ đồng, trong khi công ty không được cấp phép kinh doanh gian hàng điện tử. Những người liên quan trong vụ lừa đảo này đã bị khởi tố, bắt giữ, nhưng hậu quả nhiều người thiệt thòi về kinh tế thì chưa biết bao giờ mới khắc phục được.
4 nhóm hành vi bị nghiêm cấm
Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử (TMĐT) có hiệu lực ngày 1/7 mới đây, sẽ có 4 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động TMĐT. Nhóm thứ nhất là một số vi phạm về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; nhóm thứ hai là vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử; nhóm thứ ba là vi phạm về giao dịch trên website thương mại điện tử; nhóm thứ tư là các vi phạm khác như đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân…
Cụ thể, các hành vi bị cấm như: Tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ TMĐT buộc người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích khác từ việc vận động người tham gia mạng lưới; lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm kinh doanh; lừa đảo khách hàng trên website TMĐT, giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động TMĐT...
Với các website bán hàng khuyến mãi trực tuyến, mua hàng theo nhóm, phải bồi thường cho khách hàng nếu phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ hoặc thẻ khách hàng bị người dùng từ chối vì không đúng với các điều kiện đã công bố.
Ngày 1/7/2013, Nghị định của Chính phủ về Thương mại điện tử (TMĐT) đã có hiệu lực thi hành. Bộ Công thương sẽ công khai danh sách các website đã vi phạm pháp luật trên cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT để người dân biết. Hiện Bộ này đang nghiên cứu để xây dựng quy định xử phạt và chậm nhất cuối năm 2013 sẽ thông qua. |
Kim Thanh