vu hoang lien

DN cần có giải pháp kinh doanh hiệu quả trên internet. Ảnh Vũ Lê

Tiềm năng mua bán trực tuyến lớn

Theo ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị trường TMĐT nhanh nhất thế giới, với tỷ lệ tăng hàng năm khoảng 35%, tức cao gấp 2,5 lần Nhật Bản.

Theo thống kê của Global Survery Commerce trong quý I/2017, sản phẩm mà người tiêu dùng Việt mua bán trực tuyến chủ yếu là quần áo, giày dép với tỷ lệ chiếm đến 64%; sách, âm nhạc, văn phòng phẩm chiếm 51%; đặt mua tour 47%; mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc cá nhân 40%; hàng gia dụng 40%; các sản phẩm công nghệ thông tin như laptop, điện thoại di động... chiếm 40%; đồ nội thất 29%; các sản phẩm ăn uống 26%...

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Kinh doanh online – Step by step” vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, dù vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ cho phép DN nước này dễ dàng bán hàng trực tuyến ở nước khác, nhưng TMĐT tại Việt Nam vẫn là một mảnh đất tiềm năng cho các DN trong nước, trong đó có cả các DN khởi nghiệp.

Ông Vũ Hoàng Liên cho biết, thời điểm hiện tại, Việt Nam đang là quốc gia năng động nhất thế giới về ứng dụng, sử dụng công nghệ cao, trong đó có việc mua sắm trên internet. Các DN và người kinh doanh qua internet cần nắm bắt được xu hướng TMĐT để từng bước xây dựng hệ thống kinh doanh trực tuyến phù hợp với quy mô và định hướng của mình.

tmdt
Nhiều DN Việt đã chú trọng đến thị trường TMĐT. Ảnh Vũ Lê

DN cần nắm bắt thị trường, tận dụng cơ hội

Theo ông Liên, những giải pháp giúp DN kinh doanh hiệu quả trên internet mà các DN Việt Nam cần phải nắm bắt gồm: Công nghệ điện toán đám mây ứng dụng ở các lĩnh vực kinh doanh trực tuyến, xây dựng mạng nhện trực tuyến 0 đồng cho khởi nghiệp, xây dựng trang web phù hợp với hoạt động kinh doanh của DN…

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, thời gian gần đây, những thương hiệu lớn đã tham gia vào thị trường TMĐT Việt Nam, đồng thời các tập đoàn lớn cũng xem thị trường Việt Nam là thị trường năng động.

Hiện tại, TMĐT được nhìn nhận là có khả năng giúp ích rất nhiều cho DN và người hưởng lợi nhất thường là khách hàng. Tuy nhiên, khi sự cạnh tranh về giá và sản phẩm trở nên khó khăn hơn, các DN có thể tạo ra một gói dịch vụ giá trị và hấp dẫn, giao hàng nhanh, linh hoạt để TMĐT đa dạng và duy trì lợi thế cạnh tranh.

Như vậy, nếu DN không nắm bắt được xu hướng mới thì coi như đã bỏ lỡ thị trường, bỏ quên mất một bộ phận tiêu dùng phổ biến hiện nay. Do đó, DN phải đón đầu và tận dụng tốt nhất các cơ hội trong bán hàng trực tuyến, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, đồng thời cần cung cấp được các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, bán hàng đúng cam kết…

“Khi kinh doanh trực tuyến, mọi người đều có cơ hội như nhau nhưng quan trọng phải biết vận dụng thế mạnh, những thị trường ngách, những thị trường có lợi thế tại Việt Nam… thì sẽ thu hút được khách hàng”, Ông Dũng nói.

Vũ Lê