Nền kinh tế sẽ nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng

Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi
và phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng,
để phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế.

PV: Theo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua, sẽ giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%). Xin ông cho biết chính sách này sẽ tác động như thế nào đối với doanh nghiệp, người tiêu dùng?

TS. Phan Phương Nam: Thuế GTGT là thuế gián thu, vì vậy chính sách này theo tôi có 2 góc độ tác động. Thứ nhất, đối với người tiêu dùng, việc giảm thuế suất sẽ làm giảm số tiền thuế GTGT họ phải trả thông qua giá cả hàng hóa, dịch vụ. Điều này làm cho giá hàng hóa, dịch vụ giảm và hỗ trợ cho hoạt động tiêu dùng. Đây là động thái tích cực của Nhà nước khi mà dịch bệnh đã và đang bào mòn “tiền tích lũy”, “của để dành” của người dân. Qua đó, góp phần hỗ trợ người dân có thể mua thêm nhiều hàng hóa, dịch vụ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng và “tăng khả năng cầm cự” trong giai đoạn khó khăn.

Nền kinh tế sẽ nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng
TS. Phan Phương Nam

Thứ hai, đối với doanh nghiệp, mặc dù đây là thuế gián thu và về nguyên lý, người kinh doanh chỉ là người nộp thay tiền thuế cho người tiêu dùng. Nhưng rõ ràng, việc giảm thuế GTGT đã giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giảm bớt tình trạng dòng vốn bị “tạm giữ” trong nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào của hàng hóa (mặc dù sau này họ có thể thu thông qua giá hàng hóa, dịch vụ).

Bên cạnh đó, như phân tích trên, việc giảm thuế GTGT làm giá cả hàng hóa, dịch vụ giảm sẽ tăng thêm lượng cầu trên thị trường. Như vậy, doanh nghiệp càng bán được nhiều hàng hóa, cung ứng được nhiều dịch vụ và thu được lợi nhuận, cũng như tạo nên nhiều công ăn, việc làm cho người lao động, giảm bớt các áp lực tồn đọng hàng hóa, phá sản, thua lỗ.

PV: Không chỉ giảm thuế GTGT, nghị quyết cũng hỗ trợ lãi suất (2%/năm) cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, gói hỗ trợ này khoảng 40.000 tỷ đồng. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, theo ông các cơ quan liên quan cần có hướng dẫn cụ thể như thế nào?

TS. Phan Phương Nam: Về đánh giá chung, quy định này là hay vì tạo thêm dòng vốn, hỗ trợ tài chính cho nền sản xuất. Tuy nhiên, nội dung này chỉ hiệu quả khi và chỉ khi những chủ thể cần vốn tiếp cận được thực sự nguồn vốn. Vì vậy, để triển khai có hiệu quả, theo quan điểm của tôi thì Nhà nước cần có những chính sách cụ thể sau:

Thứ nhất, lựa chọn tổ chức tín dụng đủ khả năng, uy tín làm đầu mối cho hoạt động hỗ trợ vốn. Theo đó, tổ chức tín dụng này phải có đủ năng lực chuyên môn, khả năng và thông tin chính xác để xác định đúng đối tượng, ngành nghề và đánh giá tính khả thi của các dự án, từ đó tiến hành cấp tín dụng hợp lý.

Thứ hai, cần xác định chính xác các đối tượng được hỗ trợ từ gói tín dụng này, Nhà nước không nên dàn hàng ngang hỗ trợ, mà lựa chọn các ngành nghề, các doanh nghiệp cụ thể, đáp ứng các tiêu chí nhất định để cấp tín dụng nhằm hỗ trợ chính xác và phát huy được hiệu quả của gói hỗ trợ tín dụng này.

Thứ ba, thực hiện thường xuyên các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc giải ngân và sử dụng nguồn tín dụng trên. Qua đó, nhanh chóng phát hiện các hành vi sử dụng vốn sai mục đích (thay vì đầu tư vào sản xuất kinh doanh, lại sử dụng dòng tiền này đầu tư tài chính…) để có biện pháp xử lý thích đáng.

Thứ tư, công tác đánh giá và rút kinh nghiệm theo quý, hoặc 6 tháng đầu năm để phát hiện những quy định chưa chính xác, thiếu hợp lý nhằm đưa ra biện pháp khắc phục. Có thể nói, để làm tốt công tác này cần có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, cần phải phân công rõ ràng, cụ thể khi thực hiện các công việc trên.

PV: Là người nghiên cứu về chính sách, pháp luật về tài chính, ngân hàng, thương mại…, xin ông cho biết Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với rất nhiều chính sách hỗ trợ sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế, thưa ông?

TS. Phan Phương Nam: Tôi cho rằng Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã ra đời kịp thời, khi mà nền kinh tế thực sự chuyển qua giai đoạn mới của hồi phục. Đây chính là một biện pháp hỗ trợ tài chính đúng thời điểm, vừa thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với những khó khăn của nền kinh tế, vừa thể hiện vai trò điều tiết và quản lý vĩ mô của Nhà nước.

Chính sách này nếu được triển khai có hiệu quả sẽ mau chóng giúp nền kinh tế kịp thời hồi phục và phát triển mạnh mẽ, để Việt Nam là một trong những quốc gia có tăng trưởng GDP cao trong khu vực. Tuy nhiên, cũng cần thận trọng khi áp dụng các biện pháp này, bởi khi tiến hành mà không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, thì sẽ dễ dàng tạo nên “cơ hội” cho những chủ thể lợi dụng các chính sách trực lợi. Nếu có cơ chế thích hợp và sự kiểm soát hiệu quả trên, tôi tin rằng chúng ta sẽ gặt hái quả ngọt một cách nhanh chóng và sớm trở lại đà tăng trưởng ấn tượng trước đây.

PV: Xin cảm ơn ông!