Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Foster City, California, Mỹ. |
Ông Dimon cho rằng mọi người đang phản ứng quá mạnh mẽ với những biến động hàng ngày của thị trường, mà những biến động này có khi có lý do chính đáng, nhưng cũng có khi gần như không có lý do gì.
Đầu tuần này, báo cáo việc làm yếu hơn dự đoán, kết hợp với một số kết quả kinh doanh ảm đạm trong lĩnh vực công nghệ và việc giới đầu tư giảm các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade), đã tạo ra phiên giao dịch biến động nhất trên thị trường chứng khoán kể từ khi xảy ra đại dịch. Đà giảm này tiếp tục được nối dài trong phiên 7/8.
Khi được hỏi liệu nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái hay chưa, ông Dimon khẳng định "không hề".
Tuy nhiên, vị CEO này cũng nói rõ rằng ông tin khả năng suy thoái cao hơn khả năng hạ cánh mềm. Ông cũng đề cập đến những bất ổn trong các vấn đề từ địa chính trị và thâm hụt ngân sách của Mỹ, đến chính sách thắt chặt định lượng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thị trường nhà ở và bầu cử.
Trước ông Dimon, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trên phố Wall và các nhà kinh tế học cũng đã xoa dịu những lo ngại rằng sự biến động của thị trường tuần này phản ánh một nền kinh tế không khỏe mạnh.
Mới đây, CEO của Goldman Sachs David Solomon đã vẽ ra một bức tranh thậm chí còn lạc quan hơn.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông nhận định khả năng cao nhất vẫn là nền kinh tế Mỹ tiếp tục ổn định và không suy thoái, nhưng không phải là không có khả năng suy thoái. Trước đó, các chuyên gia của Goldman đã nâng dự báo về khả năng suy thoái của Mỹ trong 12 tháng tới từ 15% lên 25%.
Trong năm nay, cổ phiếu của JPMorgan và Goldman đã tăng lần lượt hơn 18% và 23%, trong khi chỉ số theo dõi các ngân hàng Mỹ tăng 9%.
Theo công cụ CME FedWatch, Fed hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng Chín và thị trường dự đoán lần cắt giảm đầu tiên sẽ là 0,5 điểm phần trăm.
Ông Dimon cho rằng điều này sẽ không ảnh hưởng đến nền kinh tế và cũng sẽ không làm dấy lên lo ngại về khả năng kinh tế suy thoái đi kèm với lạm phát./.