Chú thích ảnh
Người dân tại một khu chợ ở Mexico City, Mexico.

Viện Thống kê và Địa lý Quốc gia Mexico ngày 23/6 cho biết tỷ lệ lạm phát của nước này đã tăng lên 7,88% trong nửa đầu tháng 6/2022, mức cao nhất ghi nhận trong cùng kỳ kể từ năm 2001, bất chấp nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ và Ngân hàng Trung ương Mexico (Banxico).

Tất cả các mặt hàng trong giỏ hàng cơ bản đều tăng giá. Trong đó, Viện Thống kê và Địa lý Quốc gia nhận định lạm phát tăng cao trong nửa đầu tháng 6/2022 chủ yếu là do chỉ số giá cơ bản, bao gồm các mặt hàng có độ biến động thấp hơn, và cũng là chỉ số nền tảng để Banxico hoạch định chính sách tiền tệ. Theo số liệu mới nhất, chỉ số này hiện ở mức 7,47%, cao nhất kể từ tháng 12/2000. Trong đó, nhóm thực phẩm và đồ uống đã tăng tới 11,7%. Trong khi đó, chỉ số các mặt hàng khác, trong đó có năng lượng, tăng 9,13%. Giá nhiên liệu đã chạm đỉnh trong hơn 1 thập kỷ, ghi nhận mức tăng 5,8%.

Những số liệu lạm phát mới nhất đã vượt quá dự báo của các nhà phân tích. Khảo sát mới nhất của ngân hàng Citibanamex ước tính lạm phát chỉ tăng 7,7% trong nửa đầu tháng Sáu.

Sức ép lạm phát cao khiến Banxico phải liên tục siết chặt chính sách tiền tệ. Giữa tháng Năm vừa qua, Ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản, lên 7%. Thông cáo do Banxico đưa ra sau quyết định tăng lãi suất lần thứ 8 liên tiếp lý giải rằng lạm phát toàn cầu vẫn tiếp tục gia tăng dưới áp lực của tắc nghẽn nguồn cung, nhu cầu phục hồi và giá thực phẩm, năng lượng leo thang.

Các nhà phân tích tài chính dự báo tới đây Banxico sẽ nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản, từ 7% lên 7,75%, “nối gót” quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nếu dự báo trở thành hiện thực, đây sẽ là lần nâng lãi suất “mạnh tay” nhất tại nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh kể từ cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008.

Song song với đó, vào đầu tháng 5/2022 Chính phủ Mexico cũng đã công bố kế hoạch chống lạm phát, bao gồm trợ cấp xăng giúp giá mặt hàng này không tăng phi mã, mặc dù Cục Quản lý Thuế ước tính biện pháp này có thể tiêu tốn tới 20 tỷ USD ngân sách quốc gia. Ngoài ra, chính phủ đã đàm phán với các nhà cung cấp thực phẩm lớn để ổn định giá 24 sản phẩm trong giỏ hàng cơ bản.

Tuy nhiên, bà Gabriela Siller, giám đốc bộ phận Nghiên cứu kinh tế của tổ chức tài chính Banco Base, nhận định dữ liệu lạm phát mới nhất cho thấy các biện pháp của chính phủ vẫn chưa phát huy tác dụng mong muốn. Bà Siller cảnh báo mặc dù đà tăng giá năng lượng có chậm lại, nhưng vẫn tồn tại nguy cơ giá xăng dầu tăng vọt trong thời gian tới.

Về phần mình, giám đốc của Moody’s Analytics Alfredo Coutiño lo ngại rằng chương trình kiềm chế lạm phát khó có thể kéo dài, và chỉ có tác dụng "hãm phanh" tạm thời. Ông Coutiño cảnh báo kế hoạch này đang “tích tụ rất nhiều áp lực” và có thể bị hủy bỏ nếu cạn kiệt nguồn lực.