Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi với báo giới về Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Những quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP
Cơ hội cho doanh nghiệp, trái chủ có thêm thời gian và lựa chọn để thanh toán nợ trái phiếu
Nghị định 08/2023/NĐ-CP: Chính sách phản ứng linh hoạt để phù hợp với thực tiễn thị trường
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

*PV: Thưa Thứ trưởng, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 08 nhằm hỗ trợ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm bớt khó khăn trong ngắn hạn. Là đơn vị chủ trì, phối hợp tham mưu chính sách cho Chính phủ, Thứ trưởng có thể cho biết về những điểm mới của nghị định này?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Vừa qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP. Chúng ta có thể điểm những nội dung quan trọng của nghị định như sau:

"Tôi cho rằng Nghị định 08 sẽ đem lại những điều kiện phù hợp với tình hình thị trường hiện tại, giúp minh bạch hóa các quy định của pháp luật có liên quan và đặc biệt là tạo điều kiện cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành có thể có những quy định rất rõ ràng về mặt pháp lý để xử lý những vấn đề liên quan đến thị trường phát sinh trong thời gian vừa qua" - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Thứ nhất là, Nghị định 08 quy định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ trong trường hợp gặp khó khăn khi thanh toán gốc và lãi trái phiếu có thể sử dụng các tài sản hợp pháp của mình để đàm phán với các nhà đầu tư thanh toán bằng tài sản. Việc này dựa trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của pháp luật dân sự và các pháp luật có liên quan, được sự nhất trí của các nhà đầu tư và phải đảm bảo tính pháp lý của tài sản cũng như công bố các thông tin có liên quan.

Thứ hai là, Nghị định 08 quy định các doanh nghiệp nếu gặp khó khăn thì có thể đàm phán với các nhà đầu tư để gia hạn thêm thời gian đối với trái phiếu. Thời gian gia hạn tối đa là 2 năm và cũng phải trên nguyên tắc là được sự nhất trí của các trái chủ. Trong trường hợp nhà đầu tư không nhất trí thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình trên cơ sở các quy định trong phương án đã công bố trước đây.

Thứ ba là, Nghị định 08 cũng cho phép tạm ngưng một số quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, cụ thể là: ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; ngưng các quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành; và ngưng về thời gian để phát hành đối với một đợt trái phiếu.

Có thể thấy rằng, các nội dung của Nghị định 08 được ban hành đã thể hiện sự phản ứng linh hoạt của chính sách để phù hợp hơn với các điều kiện thực tế của thị trường Việt Nam, nhất là sau biến động mạnh mẽ của thị trường tài chính – tiền tệ thế giới và trong nước, những khó khăn của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và những biến động về địa chính trị toàn cầu. Việc đưa ra những quy định mới này kỳ vọng sẽ góp phần củng cố niềm tin, đưa các nhà đầu tư, cũng như đưa các doanh nghiệp phát hành trở lại với thị trường, tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách minh bạch và bền vững.

Nghị định 08/2023/NĐ-CP: Chính sách phản ứng linh hoạt để phù hợp với thực tiễn thị trường
Nghị định 08 cho phép tổ chức phát hành được kéo dài thời hạn trả nợ tối đã 2 năm nếu được trái chủ đồng ý. Ảnh: Duy Dũng.

*PV: Có ý kiến lo ngại rằng, Nghị định 08 đã cho phép ngưng hiệu lực một số quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm hay thời gian phân phối trái phiếu, có thể ảnh hưởng tới chất lượng phát triển của thị trường này. Thứ trưởng có chia sẻ gì về điều này?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Đối với vấn đề này, khi xây dựng nghị định, Bộ Tài chính cũng đã cùng với các bộ, ngành liên quan báo cáo với Chính phủ rất kỹ lưỡng.

Chúng tôi cho rằng, bên cạnh việc tạm thời cho ngưng quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành thì doanh nghiệp khi phát hành ra thị trường vẫn phải tuân thủ các quy định khác có liên quan. Doanh nghiệp phải công bố thông tin cho các nhà đầu tư một cách rõ ràng, minh bạch, trong đó có xác nhận của bên thứ ba là kiểm toán độc lập. Đặc biệt, doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin về việc sử dụng tiền trái phiếu đã huy động.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân cũng vẫn cần phải thực hiện các quy định khác tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP như: Nhà đầu tư phải hiểu về doanh nghiệp, phải hiểu các rủi ro có liên quan khi tham gia đầu tư và ký cam kết chấp nhận tất cả rủi ro phát sinh (nếu có).

Trên thực tế, hiện nay chúng ta mới có 2 doanh nghiệp được cấp phép trong nước để thực hiện định giá xếp hạng tín nhiệm, cho nên việc tạm ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm cũng hoàn toàn phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay.

*PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư tổ chức trên thị trường trái phiếu hiện nay? Thời gian tới, chúng ta sẽ có những giải pháp gì để tăng cường vị trí và vai trò của nhà đầu tư tổ chức trên thị trường?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư tổ chức đóng vai trò quan trọng và gần như là quyết định cho sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.

Chúng tôi có rất nhiều giải pháp khác nhau để phát triển các công ty quản lý quỹ và các công ty đầu tư tài chính chuyên nghiệp khác, trên cơ sở đó thì thành lập các quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp. Qua đó, các nhà đầu tư cá nhân hoàn toàn có thể đầu tư vào các quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp này. Các quỹ này được vận hành, quản lý bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tổ chức đó là các công ty quản lý quỹ và các tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp.

* PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nghị định 08/2023/NĐ-CP đưa ra 3 nguyên tắc cụ thể để doanh nghiệp có thể đàm phán và thanh toán gốc, lãi cho trái chủ, gồm:

- Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó;

- Phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận;

- Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.