Nhà đầu tư quay trở lại thị trường, bất động sản rục rịch đón “sóng”
Thị trường bất động sản tiếp tục trên đà phục hồi bền vững. Ảnh minh họa

"Sóng" bất động sản trở lại

Sau thời gian dài trầm lắng, những ngày qua thị trường bất động sản phía Bắc "nóng" lên, với câu chuyện đấu giá đất tại huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Nhìn nhận một cách khách quan, từ rất lâu rồi, doanh nghiệp bất động sản "thoi thóp" cầm cự. Nhà đầu tư cá nhân muốn thoát hàng cũng rất khó, thậm chí nhiều nơi cắt lỗ đến 50% vẫn không có khách. Nguyên nhân chính vì thị trường không có… “sóng”. Tuy nhiên, khác xa với tình cảnh vắng như “chùa Bà Đanh” thời gian trước đó, trong 2 ngày ngày 19 và 20/8, người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đã nườm nượp đi đấu giá đất. Ngoài những khách hàng tham gia đấu giá đi riêng lẻ, có những nhóm chung đi 5 - 7 người.

Cơ hội cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, với sân chơi mới, thị trường chỉ còn chỗ đứng cho các chủ đầu tư làm ăn bài bản, có quỹ đất lớn, có nguồn lực tài chính, có năng lực để phát triển các dự án đô thị và tiết giảm chi phí đầu tư…. Cùng với quy định được lựa chọn có hay không việc bảo lãnh ngân hàng, đây sẽ là nền tảng để giảm rủi ro và chi phí cho người mua nhà hình thành trong tương lai.

Dữ liệu từ Batdongsan. com.vn cho thấy, nhu cầu tìm kiếm đất nền toàn quốc trong quý II/2024 tăng 33% so với quý I. Thế nhưng, đây chỉ là sự cải thiện cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc, trong đó Hà Nội chứng kiến lượng quan tâm đất nền tăng 75%. Trong đó, mức độ quan tâm và giá tăng ở khu vực vùng ven Hà Nội nhờ yếu tố quy hoạch và hoạt động đấu giá. Cụ thể, nửa đầu năm 2024, đất nền ở Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai ghi nhận lượt tìm kiếm tăng từ 48% - 104%, kéo theo giá rao bán đất nền tại các huyện ngoại thành này tăng từ 4% - 24% so với nửa cuối năm 2023.

Thực tế thời gian gần đây, việc tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới đã được các địa phương triển khai nhiều hơn so với cùng kỳ. Hoạt động đấu giá đất tại một số địa phương diễn ra sôi động với số lượng hồ sơ tăng vọt, với mức đấu giá thành công cao hơn từ 20% cho tới gấp 10 lần so với giá khởi điểm. Có thể, trong thời gian tới, loại hình đấu giá các lô đất sẽ đồng loạt được các địa phương thực hiện nhằm tăng mạnh nguồn thu ngân sách. Các chuyên gia cho rằng, việc đấu giá tạo giá trị gia tăng cho xã hội, thu tiền một cách hiệu quả mà còn giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn, thay vì các cơn sốt đất, nhiễu loạn giá.

Doanh nghiệp trả được nợ, môi giới dự tính quay lại thị trường

Tại khu vực phía Nam, nhiều doanh nghiệp buôn bán bất động sản vùng ven TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực so với thời gian trước. Nếu như trong 2 năm (2022 - 2023) DN phải cầm cố tài sản, thậm chí vay nóng để hoạt động thì từ hết quý I/2024 đến nay, theo ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc Công ty Đ.T.T Hodings, đã kinh doanh khởi sắc trở lại. Việc thị trường bất động sản có “sóng” không những giúp DN trả được nhiều khoản nợ tồn đọng mà làm cho đội ngũ nhân viên cũng năng động hơn.

Ông Nguyễn Thành Lợi - Giám đốc một công ty chuyên mua bán đất nền tại Long An, cũng cho biết, sau 2 năm chuyển nghề sang kinh doanh trang sức như vàng bạc, kim cương… từ đầu năm 2024 đến giờ, thị trường bất động sản đã có khách hàng quay trở lại. Ông Lợi dự đoán thời gian không lâu nữa bất động sản sẽ vào chu kỳ mới nên đưa ra phương án sắp tới sẽ mở lại sàn giao dịch bất động sản để không bỏ lỡ “thời cơ vàng” để kinh doanh này.

Chị Thu Thảo - Giám đốc Kinh doanh của P. Đ Group, cũng cho hay, thực tế từ đầu năm 2024 đến giờ đã có nguồn cầu tăng hơn nhiều so với cùng kỳ. Tuy không “ồn ào” như trước kia nhưng thời gian gần đây, Tập đoàn P. Đ nơi chị Thảo làm việc (chủ đầu tư dự án căn hộ chung cư) cũng có các giao dịch. “Gần đây thị trường khởi sắc nhiều hơn, các dự án chung cư sắp bàn giao buôn bán tốt hơn, thị trường đang ấm dần” - chị Thảo nói.

Nhận định về tình hình bất động sản khi các luật đi vào cuộc sống, Ông Võ Hồng Thắng - Phó Tổng giám đốc DKRA Group tin tưởng vào việc thị trường sẽ khôi phục trong thời gian sắp tới. Ông Thắng khẳng định lý do, thứ nhất là sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Thứ hai là việc lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện tại đang rất thấp, tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp và người dân. Thứ ba, các luật có hiệu lực sẽ tạo ra cơ sở hành lang pháp lý để khơi thông những bế tắc, cũng như vướng mắc của thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua.

Loại bỏ những nhà đầu tư “tay ngang”, kém năng lực

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, kết quả phục hồi sẽ tiếp tục phân hóa theo phân khúc và khu vực nhưng với mức độ phân hóa đồng đều hơn. Trong khoảng thời gian chờ các luật mới "ngấm", thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phục hồi chậm rãi, bền vững, với kết quả tốt dần lên. Đến cuối năm 2024, quá trình phục hồi của thị trường sẽ có tiến triển rõ nét.

Về phân khúc nhà ở, trên cơ sở các bộ luật mới có hiệu lực sớm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương không ngừng "dốc sức" thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi, các doanh nghiệp phát triển dự án sẽ “bung hàng" với các hoạt động truyền thông rầm rộ hơn.

Bên cạnh những mặt tích cực, VARS cũng đưa ra dự báo, với đà phục của thị trường, các chủ thể tham gia thị trường sẽ bắt đầu "tăng tốc" gia nhập, xúc tiến các kế hoạch kinh doanh. Các luật mới sẽ mang đến những tác động tích cực cho thị trường nhưng cũng sẽ là “bộ lọc” loại bỏ các chủ thể không đủ năng lực ra khỏi cuộc chơi. Những quy định mới sẽ siết chặt hoạt động môi giới bất động sản, loại bỏ những môi giới “tay ngang" - không thực sự có mong muốn gắn bó lâu dài với nghề.

Đặc biệt, quy định về quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở thương mại, bỏ khung giá đất,... sẽ dần dần sàng lọc các chủ đầu tư yếu kém về năng lực, tài chính, quỹ đất... khỏi thị trường địa ốc. Bởi thực tế thời gian qua, không ít doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực sản xuất “lấn sân" sang đầu tư bất động sản với kỳ vọng siêu lợi nhuận rồi nhận “trái đắng" do mọi thứ không như kỳ vọng. Thời gian tới, bảng giá đất mới sẽ cao hơn, đồng nghĩa với việc tính tiền sử dụng đất cao hơn, người dân được hưởng mức đền bù nhiều hơn còn doanh nghiệp đối mặt với áp lực về nguồn vốn có sẵn sẽ lớn hơn.