Nhận diện, kịp thời đấu tranh với các thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại mới
Công chức hải quan cảng sài Gòn khu vực 4 kiểm tra lô hàng có nghi vấn. Ảnh: Lê Thu.

Thu nộp ngân sách hơn 6 nghìn tỷ đồng

Theo thống kê mới nhất, nửa đầu năm 2024, các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 64.185 vụ việc vi phạm (giảm 2,82% so với cùng kỳ). Qua đấu tranh, các lực lượng đã thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.066,792 tỷ đồng (giảm 7,53% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 650 vụ (giảm 44,25% so với cùng kỳ), 1.913 đối tượng (giảm 18,82% so với cùng kỳ).

Phát hiện xử lý 64.185 vụ việc vi phạm trong 6 tháng 2024

6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 64.185 vụ việc vi phạm (giảm 2,82% so với cùng kỳ). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 6.042 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 172,28% so với cùng kỳ); 55.133 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 9,7 so với cùng kỳ); 3.010 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 8,55% so với cùng kỳ).

Một số phương thức, thủ đoạn nổi lên được cơ quan chức năng ghi nhận như: Lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu không khai báo, khai sai tên hàng, chủng loại hàng, khai không đúng số lượng hàng hóa thực tế...

Cơ quan hải quan phát hiện nhiều trường hợp lợi dụng hoạt động khai báo hải quan điện tử, kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro hàng hóa xuất nhập khẩu; lợi dụng chính sách hàng tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh, ký gửi hàng hóa có giá trị cao, nhập khẩu gia công để thẩm lậu hàng hóa vào thị trường Việt Nam; lợi dụng chính sách cư dân biên giới để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, hợp thức hóa hàng lậu.

Một phương thức được áp dụng mạnh mẽ những tháng gần đây là các đối tượng lợi dụng sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok...), hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm… để kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng; thông qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh để cất giấu, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; thông qua hoạt động tạm nhập, tái xuất để vận chuyển hàng hóa có giá trị cao từ nước ngoài vào Việt Nam;.

Các chính sách thông thoáng của nhà nước trong việc thành lập doanh nghiệp cũng là một điểm để các đối tượng lợi dụng đăng ký thành lập nhiều công ty khác nhau (dạng công ty “ma”) không tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như đã đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà xuất bán trái phép số lượng lớn hóa đơn giá trị gia tăng cho các tổ chức, cá nhân nhằm thu lợi bất chính số tiền lớn.

Nhận diện những vấn đề phức tạp để kịp thời xử lý

Dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2024, kinh tế đất nước tiếp tục đà phục hồi, phát triển tích cực. Các đối tượng sẽ tăng cường hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng nhập lậu, hàng giả trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển, vùng biển, địa bàn nội địa. Lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, chuyển phát nhanh, đối tượng sẽ tăng cường các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Trước tình hình đó, theo ông Lê Thanh Hải - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương sẽ quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Văn phòng sẽ phối hợp cùng các đơn vị thường xuyên tổng hợp, cập nhật các phương thức, thủ đoạn mới, nhận diện những vấn đề phức tạp, nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo xử lý.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia diễn ra ngày 8/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh. Các đơn vị theo chức trách, nhiệm vụ được phân công cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhất là nêu cao vai trò người đứng đầu trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung cao cho các nhóm hàng: ma túy và thương mại điện tử; nắm chắc địa bàn, tăng cường giữa các cơ quan, các ngành, địa phương trong thực thi nhiệm vụ.

Song song với đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát; phát hiện các lỗ hổng, sai sót, hạn chế để chấn chỉnh, khắc phục những sai phạm của cán bộ; nâng cao năng lực làm việc của cán bộ, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân để trở thành những người tiêu dùng thông minh; nghiên cứu sửa đổi thể chế, những quy định pháp luật còn bất cập... nhằm tạo thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả./.

Nhận diện, kịp thời đấu tranh với các thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại mới

ÔNG TRẦN BÁU HÀ - PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH HÀ TĨNH: Làm tốt công tác dự báo, không để bị động, bất ngờ

Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng của Hà Tĩnh đã bắt giữ và xử lý 1.386 vụ vi phạm (tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023), qua đó thu nộp NSNN 18,08 tỷ đồng (giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2023). Riêng khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã bắt giữ và xử lý 18 vụ vi phạm, khởi tố 11 vụ/19 đối tượng; trong đó có 7 vụ án liên quan đến ma túy và 2 vụ buôn lậu vàng.

Từ thực tiễn đấu tranh trên địa bàn, Hà Tĩnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành trung ương; làm tốt công tác dự báo tình hình, nắm chắc đối tượng, tuyến, địa bàn, nhất là tuyến, địa bàn trọng điểm, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại mới; không để bị động, bất ngờ; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; tăng cường phối kết hợp giữa các lực lượng trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Nhận diện, kịp thời đấu tranh với các thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại mới

ÔNG PHAN QUỐC ĐÔNG - PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC ĐIỀU TRA CHỐNG BUÔN LẬU (TỔNG CỤC HẢI QUAN): Hợp tác quốc tế để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống ma túy

Đấu tranh phòng chống ma túy luôn là một mặt trận nóng bỏng, không có điểm dừng. Thời gian tới, trên cơ sở phát huy kết quả đạt được trong năm qua, ngành Hải quan sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, xây dựng kế hoạch phối hợp để triển khai tốt công tác đấu tranh phòng, chống ma túy.

Đặc biệt, Ngành sẽ tập trung vào công tác thu thập thông tin trong nước và nước ngoài, chia sẻ thông tin về tội phạm ma túy giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan các nước, cùng các cơ quan, tổ chức nước ngoài, khu vực và quốc tế.

Trong công tác nghiệp vụ có liên quan, trước tình trạng tội phạm ma túy thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển, thủ đoạn ngày càng tinh vi, ngành Hải quan sẽ tập trung, huy động tối đa các nguồn lực, điều kiện đảm bảo, tăng cường lực lượng, sử dụng hiệu quả công cụ, máy móc, trang thiết bị chuyên dùng và chó nghiệp vụ phục vụ công tác phòng chống ma túy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình mới.