Nhiệt độ châu Âu tăng nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu
Người dân giải nhiệt tránh nóng tại đài phun nước ở Moskva, Nga ngày 15/6/2023. Ảnh: T.L

"Chỉ số trên cho thấy, châu Âu đã nóng lên gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu kể từ những năm 1980, gây những tác động sâu rộng đến kết cấu kinh tế xã hội và hệ sinh thái của khu vực", WMO tuyên bố ngày 19/6, trích dẫn Báo cáo tình trạng khí hậu ở châu Âu.

Cụ thể, năm 2022, nhiệt độ ở châu Âu cao hơn khoảng 2,3 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900) được sử dụng làm cơ sở cho Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Đồng thời, các mối nguy hiểm liên quan đến khí tượng, thủy văn và khí hậu ở châu Âu vào năm 2022 đã dẫn đến 16.365 trường hợp tử vong cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến 156.000 người. WMO ước tính rằng thiệt hại tài chính liên quan vào năm 2022 lên tới ít nhất 2 tỷ USD.

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết, năm 2022, nhiều quốc gia ở phía Tây và Tây Nam châu Âu đã trải qua một năm nóng nhất trong lịch sử. Mùa hè là thời điểm nóng nhất từng được ghi nhận.

Nhiệt độ cao làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán nghiêm trọng và lan rộng, gây ra những đám cháy rừng dữ dội.

Tuy nhiên, WMO lưu ý rằng lần đầu tiên vào năm ngoái, các nguồn năng lượng tái tạo ở châu Âu đã sản xuất nhiều điện hơn so với nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm.

Hồi tháng 5, tổ chức này cảnh báo nhiệt độ toàn cầu có thể đạt mức cao kỷ lục trong vòng 5 năm tới./.