PV: Thưa ông, dưới góc độ nghiên cứu giảng dạy, ông có thể phân tích một cách khái quát hơn về chủ trương, lộ trình, thực trạng vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở nước ta thời gian qua?

TS. Đoàn Ngọc Phúc: Việc CHP DNNN là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Nhiều “điểm nghẽn” kìm hãm tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
TS. Đoàn Ngọc Phúc

Trước yêu cầu cấp bách của quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, sang cơ chế thị trường của sự nghiệp đổi mới kinh tế của đất nước, CPH DNNN ở nước ta bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước và có thể chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Giai đoạn thí điểm CPH (1992 - 1996): CPH 5 doanh nghiệp; giai đoạn mở rộng CPH (1996 - 1998): 25 doanh nghiệp CPH; giai đoạn thúc đẩy CPH (1998 - 2000): CPH 283 doanh nghiệp; giai đoạn CPH trên diện rộng (2001 - 2005): CPH được khoảng 2.659 doanh nghiệp; giai đoạn CPH cơ bản (2006 - 2010): CPH được 818 doanh nghiệp; giai đoạn đẩy mạnh CPH tập đoàn kinh tế nhà nước (2011 đến nay) đã được CPH 631 doanh nghiệp.

Trong tổng số 4.670 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp đã CPH, thì doanh nghiệp thuộc địa phương chiếm 58,2%; doanh nghiệp thuộc bộ chiếm chiếm 30,3%; doanh nghiệp thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm 11,5% với tổng giá trị doanh nghiệp thực tế 1,5 triệu tỷ đồng, vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã được CPH là 452 nghìn tỷ đồng.

PV: Ông có thể phân tích thêm một số vấn đề trọng tâm được cho là những nguyên nhân, vướng mắc, rào cản làm ảnh hưởng tiến độ chậm cổ phần hóa DNNN thời gian qua?

TS. Đoàn Ngọc Phúc: Trong quá trình nguyên cứu, tổng hợp từng giai đoạn, cũng như đánh giá của nhiều chuyên gia, có thể gom lại thành 4 vấn đề lớn được cho là những nguyên nhân, vướng mắc, rào cản làm ảnh hưởng đến tiến độ CPH.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Thứ nhất, về tiến độ CPH của nước ta hiện nay là quá chậm. Hiện tại, số lượng doanh nghiệp CPH mới chỉ đạt khoảng 1/3 kế hoạch đề ra. Đặc biệt, việc CPH tại các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước còn rất chậm. Thời gian hoàn thành CPH các DNNN kéo dài (bình quân 2 năm), cá biệt có những DNNN có thời gian cổ phần mất hơn 4 năm. Phần lớn các DNNN đều có thời gian CPH vượt quá 12 tháng theo quy định của chính phủ tính từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm bán cổ phần.

Thứ hai, tỷ lệ chào bán ra công chúng đạt tỷ lệ thành công còn thấp ở một số thời điểm của tiến trình CPH. Nhiều doanh nghiệp không bán được hết cổ phần theo phương án được phê duyệt, hoặc tỷ lệ bán ra công chúng rất nhỏ nên nhà nước giữ lại tỷ lệ lớn cổ phần và hầu như các DNNN khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần đều phải điều chỉnh lại vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ. Một số DNNN chưa công khai, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh… đã làm hạn chế về tính đa dạng của cổ đông sau khi cổ phần hóa.

Thứ ba, việc tìm kiếm và lựa chọn cổ đông chiến lược còn bất cập và gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cổ đông chiến lược nước ngoài, nhiều DNNN khi CPH chưa chọn được cổ đông chiến lược phù hợp. Trong khi nhiều DN không chọn được cổ đông chiến lược, nhưng có một số DNNN lại có quá nhiều cổ đông chiến lược, song chỉ nắm giữ một tỷ lệ cổ phần nhỏ trong cơ cấu vốn điều lệ. Ngoài ra, thời hạn quy định lựa chọn cổ đông chiến lược ngắn so với các trường hợp cổ phần hóa doanh nghiệp lớn và có cơ cấu tài sản phức tạp. Một số lĩnh vực đặc thù không bán vốn và không được chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài đã làm thu hẹp nhà đầu tư chiến lược. Do vậy, vai trò của các cổ đông chiến lược chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu về CPH DNNN.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách

Theo TS. Đoàn Ngọc Phúc, để hoàn thiện thể chế, chính sách, cần kịp thời rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan để khắc phục vướng mắc, khó khăn phát sinh trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn.

Thứ tư, sau cổ phần, hoạt động quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa có sự thay đổi đột phá, vẫn theo tư duy cũ. Cơ cấu bộ máy lãnh đạo, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp CPH còn phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan nhà nước; thủ tục hành chính, tính bao cấp, cơ chế xin - cho vẫn còn, đã ảnh hưởng đến sự chủ động của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp chưa xử lý triệt để tồn tại tài chính trước khi CPH, nên sau CPH phát sinh các tranh chấp về tài sản, đất đai, lao động, công nợ… nên hoạt động kinh doanh kém hiệu quả.

PV: Theo ông, việc đánh giá, thẩm định giá trị tài sản, nhất là đất đai có phải là rào cản lớn nhất liên quan đến thể chế, nhận thức và hành động của các bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền và của cả chính những người trong cuộc?

TS. Đoàn Ngọc Phúc: Mặc dù quy định đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ và đồng bộ cho quá trình CPH DNNN, tuy nhiên môi trường pháp lý về CPH nói chung và việc xác định giá trị doanh nghiệp để CPH DNNN nói riêng còn chưa thật hoàn thiện. Thực tế vẫn phát sinh những bất cập làm cho quá trình định giá giá trị thương hiệu, giá trị tài sản vô hình gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ CPH DNNN.

Đặc biệt, việc xác định giá trị sử dụng đất đưa vào giá trị doanh nghiệp khi CPH có nhiều bất cập, phải trải qua nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian. Do thị trường đất đai thiếu ổn định, nên trong thực tế rất khó để tính được lợi thế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất doanh nghiệp đang thuê của nhà nước và cũng khó xác định giá trị quyền sử dụng đất đúng với giá thị trường.

Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư, cổ đông lớn của doanh nghiệp CPH ít quan tâm đến ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, mà chỉ quan tâm khai thác lợi thế đất đai, quyền sử dụng đất của doanh nghiệp và tìm cách chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành các dự án bất động sản để bán chia nhau lợi nhuận, gây thiệt hại cho nhà nước và làm sai lệch mục tiêu ban đầu của quá trình cổ phần hóa DNNN.

PV: Xin cảm ơn ông!

Doanh nghiệp cổ phần hóa đã phát huy vai trò chủ đạo, dẫn dắt nền kinh tế

Thành tựu nổi bật của quá trình CPH đã giảm mạnh số lượng doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào những ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh then chốt, thực hiện được vai trò dẫn dắt, định hướng, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, trở thành công cụ quan trọng để nhà nước điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô.

Mặt khác, CPH đã làm thay đổi căn bản cơ cấu chủ thể sở hữu của DNNN, bên cạnh chủ sở hữu là nhà nước đã xuất hiện các chủ thể sở hữu khác như: Sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân trong nước hoặc nước ngoài. Sau CPH, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia vào doanh nghiệp ngày càng tăng, mặc dù sự thay đổi này diễn ra còn chậm. Hơn nữa, sự đa dạng trong cơ cấu chủ thể sở hữu ở các DNNN sau CPH không chỉ thể hiện ở số lượng doanh nghiệp, mà còn thể hiện ở tỷ lệ vốn cổ phần mà các chủ thể ngoài nhà nước nắm giữ. Về cơ bản, CPH DNNN không chỉ làm thay đổi cấu trúc sở hữu trong từng doanh nghiệp, mà còn làm thay đổi cấu trúc sở hữu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý, sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho công tác CPH DNNN.