thoa thuan opec

Một thảo thuận có thể giúp thị trường dầu hồi phục khỏi thời kỳ suy thoái dài nhất trong một thế hệ. Ảnh nguồn: BBC.

Thỏa thuận nhằm mục đích hạ trữ lượng dầu cao kỷ lục trên toàn cầu. Vượt qua những bất đồng giữa nhóm ba nhà sản xuất lớn nhất - Ả Rập Xê Út, Iran, Iraq – cuối cùng, quyết định nhóm OPEC đã khiến những người theo dõi ngừng ‘thấp thỏm’, và kỳ vọng sẽ là dấu chấm cho đà giảm sâu của giá dầu từ năm 2014.

Con số cắt giảm này cũng cao hơn nhiều sự kỳ vọng, mở ra cả ngoài OPEC. Đặc biệt, Nga cũng chấp thuận cắt giảm chưa từng có với sản lượng của mình.

Tác động lên thị trường năng lượng là tức thì: giá dầu Brent ở New York tăng 10% lên 51,94 USD/thùng, và giá dầu thô Mỹ tăng 9% lên 49,53 USD/thùng, số liệu vào lúc 21.00 giờ Anh của trang tin BBC. Trong khi đó, tiền tệ của các nước xuất khẩu lớn và cổ phiếu của các công ty năng lượng trên khắp thế giới cũng tăng vọt. Liệu xu hướng này được duy trì sẽ phụ thuộc vào việc các thành viên của OPEC tuân thủ thỏa thuận chặt chẽ như thế nào, vì đây là điều họ chưa từng làm trước đây.

“Đây sẽ là tiếng chuông cho những người hoài nghi đã dự báo về sự chết yểu của OPEC,” ông Amrita Sen, nhà phân tích dầu của Energu Aspects nhấn mạnh.

OPEC sẽ giảm đầu ra 1,2 triệu thùng/ngày từ tháng Một, nhóm cho biết, hoàn tất một kế hoạch được phác thảo ở Algiers vào tháng Chín nhằm cắt giảm sản lượng xuống 32,5 triệu thùng. Thỏa thuận được miễn cho Nigieria và Libya, đặt cho Iraq một hạn ngạch đầu tiên kể từ những năm 1990.

Sau nhiều tuần đàm phán trong tình trạng căng thẳng, thỏa thuận đạt được cuối cùng cũng cho thấy sự vươn lên của Iran trong nhóm các nhà sản xuất hàng đầu. Nước này được cho phép sản xuất 3,8 triệu thùng/ngày, một chiến thắng cho quốc gia từ lâu đã tìm kiếm một thỏa thuận đặc biệt khi nó đang phục hồi từ sau lệnh cấm vận. Ả Rập Xê Út trước đây đề nghị đối thủ của mình giới hạn ở 3,707 triệu thùng, các đại biểu cho biết.

Tính kinh tế của thỏa thuận này là “đặc biệt hấp dẫn”, ông Jeff Currie, người đứng đầu phòng nghiên cứu hàng hóa toàn cầu ở Goldman Sachs nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg. Mục đích chính của cắt giảm là “cân bằng lại dầu tồn kho,” ông nói.

Trên khắp lĩnh vực dầu đá phiến ở Mỹ, thỏa thuận của OPEC đã kích hoạt một cú vọt lớn trong giá cổ phiếu, Whiting Petroleum tăng 32% - cú nhảy trong ngày lớn nhất trong 13 năm, trong khi Continental Resources – công ty sáng lập bởi người cố vấn của Donald Trump, Harold Hamm, tăng 25%, cao nhất kể từ năm 2008.

Ả Rập Xê Út, quốc gia đã nâng sản lượng dầu lên mức kỷ lục trong năm nay, sẽ giảm 486.000 thùng/ngày còn 10,058 triệu thùng/ngày, một tài liệu OPEC cho thấy. Iraq, nhà sản xuất lớn thứ hai của OPEC, đã đồng ý cắt giảm 210.000 thùng/ngày từ mức tháng Mười. Đất nước này trước đó đã đề xuất một xem xét đặc biệt, với lý do cấp bách của cuộc tấn công chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE) và Kuwait sẽ giảm đầu ra lần lượt 139.000 và 131.000 thùng/ngày, tài liệu cho biết.

Quốc gia không phải thành viên là Nga, với sản lượng hiện tại đang ở mức kỷ lục hậu Sô Viết, cũng sẽ cắt giảm 300.000 thùng/ngày, Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak cho biết ở Moscow.

Nga, quốc gia sản xuất lớn nhất ngoài khối OPEC, trước đó đã từng từ chối đề nghị cắt giảm sản lượng, khẳng định họ chỉ có thể cân nhắc một quyết định đóng băng. OPEC dự kiến sẽ có cuộc gặp với các nhà sản xuất ngoài OPEC tuần tới ở Doha.

“Những gì đã được công bố cho đến nay là một cú hích”, ông Giavanni Staunovo, một nhà phân tích của UBS Group. “Tháng Mười Hai vẫn sẽ chứng kiến sự tiếp diễn của các sản lượng kỷ lục, nhưng các thành viên thị trường có thể sẽ bỏ qua nó”.

Sức mạnh của thỏa thuận còn phụ thuộc vào việc liệu các bên có thực hiện đúng như cam kết của mình. Ả Rập Xê Út và các đồng minh vùng Vịnh, UAE và Kuwait, có truyền thống tuân thủ chặt chẽ cắt giảm, nhưng một số khác thì không, đặc biệt là khi giá dầu giảm thấp. Bất kỳ hoài nghi nào trên thị trường cũng có thể đưa giá dầu đặt dưới áp lực một lần nữa.

Hai năm vừa qua đã gây đau đớn với OPEC: nhóm này sẽ thu về 341 tỷ USD từ xuất khẩu dầu trong năm nay, theo Phòng Quản lý thông tin Năng lượng Mỹ, giảm từ 753 tỷ USD năm 2014 trước khi giá lao dốc, và một kỷ lục 920 tỷ USD năm 2012.

Nhóm sẽ có cuộc gặp vào 25/5 năm tới, tại thời điểm đó có khả năng thỏa thuận sẽ được kéo dài thêm 6 tháng, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed Al Sada nói với các phóng viên ở Vienna./.

Ngọc Trang (theo Bloomberg)