SH

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại buổi họp báo chiều 1/4.

Thông qua tuyên bố Hà Nội

Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch IPU-132 thông báo các hoạt động của IPU-132 đã diễn ra suôn sẻ, đúng tiến độ, trình tự, trong tinh thần hữu nghị, hợp tác và đầy trách nhiệm.

Tại IPU-132, chủ đề thảo luận chung “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” nhận được sự nhất trí cao của tất cả Lãnh đạo nghị viện, các nghị sỹ, các khách mời. Tất cả 4 dự thảo Nghị quyết quan trọng đều được các Ủy ban thường trực của IPU thông qua, gồm: Chiến tranh mạng –mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế; Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước; Nghị quyết về Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người.

Về chủ đề khẩn cấp, Đại hội đồng đã chọn, thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết về “Hợp tác nghị viện chống lại Nhà nước Hồi giáo IS và nhóm khủng bố Boko Haram chống lại dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”.

Tại Đại hội đồng IPU-132 chiều 1/4, Dự thảo Tuyên bố Hà Nội sẽ được thông qua. “Đây là văn bản quan trọng mang tính tổng kết kết quả thảo luận của IPU-132; phản ánh tầm nhìn, cam kết và hành động của các Nghị viện thành viên IPU vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích của người dân, của quốc gia cũng như thúc đẩy hợp tác toàn cầu”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết.

Thay mặt cho IPU, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury cám ơn sự tiếp đón nồng hậu, công tác tổ chức chu đáo cũng như sự điều hành sáng suốt tại IPU-132 của nước chủ nhà Việt Nam. “Sự kiện quốc tế lớn như thế này cần rất nhiều tháng để chuẩn bị và các bạn đã thực sự chu đáo, vượt qua sự kỳ vọng của chúng tôi”, ông Saber Chowdhury cho biết.

Quốc hội mỗi nước thành viên phải chuyển lời nói thành hành động

Đánh giá về tác động từ IPU-132 đối với yêu cầu đổi mới của Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đây là sự kiện hợp tác quan trọng ở phạm vi toàn cầu, là bài học lớn cho Quốc hội Việt Nam trong lắng nghe, thấu hiểu để đề xuất các biện pháp giải quyết các vấn đề trong nước và toàn cầu.

Quốc hội của Việt Nam cũng như quốc hội của các thành viên thời gian tới phải triển khai chuyển Nghị quyết, chuyển lời nói thành hành động. Hành động của mỗi Quốc hội là phải tích cực đổi mới, đưa ra biện pháp sát với mục tiêu thiên niên kỷ, lấy người dân làm trung tâm, tiến hành quyết định những chủ trương, chính sách quan trọng và giám sát các hoạt động.

“Quốc hội Việt Nam phải có hành động và chuyển hóa thành hành động của Chính phủ và chính quyền các cấp, chuyển hóa hành động vào người dân, để người dân tự mình giải quyết các mục tiêu thiên niên kỷ, Chính phủ tập trung giải quyết mục tiêu phát triển bền vững trong 15 năm tới và Quốc hội sẽ giám sát”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

IPU hối thúc bảo vệ nhân quyền của các nghị sĩ

Sáng 1/4, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hội đồng điều hành IPU-132 tập trung thảo luận và thông qua dự thảo các nghị quyết về nhân quyền của các nghị sỹ. Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền của IPU đã báo cáo để các đại biểu xem xét 39 trường hợp trong số 179 nghị sỹ bị vi phạm nhân quyền, bị giết hại hoặc mất tích, trong đó có cả nữ nghị sỹ và nghị sỹ tại châu Á, châu Phi, Mỹ, Liên minh châu Âu…

Thành viên Ủy ban, ông Bernd Fabritius cho biết, trong vài tháng tới, Ủy ban về Nhân quyền của các Nghị sĩ sẽ cử các đoàn công tác tới một số nước để tìm hiểu thực tế, thúc đẩy tiến trình điều tra trong một số vụ việc và đảm bảo việc thực thi pháp luật. Các thành viên Ủy ban bày tỏ sự quan tâm nhiều nhất đến việc Israel giam giữ nhiều thành viên của Hội đồng Lập pháp Palestine (PLC), cũng như tình trạng bế tắc trong tiến trình điều tra về sự mất tích của Chủ tịch Thượng viện Belarus khóa 13.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU, ông Saber Chowdhury kêu gọi sự đoàn kết, sát cánh bảo vệ đồng nghiệp; cho rằng điều này là cần thiết để giảm bớt các trường hợp các nghị sỹ trên thế giới bị vi phạm nhân quyền.

H.Y