Củng cố một số tiêu chuẩn đối với thẩm định viên

Về dịch vụ thẩm định giá, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cơ bản kế thừa các quy định về quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp (DN) nghiệp thẩm định giá, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, chi nhánh DN thẩm định giá.

Ngoài ra, các vấn đề, như: đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, hoạt động của tổ chức thẩm định giá nước ngoài tại Việt Nam cũng được kế thừa.

Quy định vốn điều lệ để quản lý tốt hơn doanh nghiệp thẩm định giá
Quy định vốn điều lệ để quản lý tốt hơn doanh nghiệp thẩm định giá. Ảnh: TL.

Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành để củng cố một số tiêu chuẩn đối với thẩm định viên về giá, các điều kiện tiêu chuẩn hành nghề đối với thẩm định viên về giá. Tăng cường các quy định về điều kiện trong khâu cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, nhất là trong quá trình hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá. Qua đó, siết chặt quản lý hoạt động thẩm định giá, vừa đáp ứng yêu cầu đặt ra trong việc củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá, vừa bảo đảm tính tương đồng đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ, nhất là dịch vụ tài chính tương tự.

Vốn pháp định doanh nghiệp phải là 5 tỷ đồng trở lên

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, đã bổ sung điều kiện các thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại DN phải có ít nhất 5 thẻ thẩm định viên về giá, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải là người có thẻ thẩm định viên về giá tài sản và DN, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần thì tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn, cổ đông là thẩm định viên về giá hành nghề tại DN phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của DN. Quy định vốn pháp định của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần là 5 tỷ đồng trở lên.

Về thẩm định viên về giá, dự thảo Luật quy định thẩm định viên về giá là người có Thẻ thẩm định viên về giá đang hành nghề tại DN để thống nhất về mặt nguyên lý đã là thẩm định viên thì người đó phải đang hành nghề thẩm định giá tại DN thẩm định giá.

Đối với quy định Thẻ thẩm định viên về giá, dự thảo Luật bổ sung quy định khi tham gia thi cấp thẻ thẩm định viên về giá, người dự thi phải đáp ứng tiêu chuẩn 36 tháng kinh nghiệm là thời gian làm việc thực tế tại DN thẩm định giá. Đồng thời, tại Thẻ thẩm định viên về giá sẽ thể hiện rõ chuyên môn của thẩm định viên theo lĩnh vực thẩm định giá tài sản hoặc thẩm định giá DN.

Cần quy định vốn điều lệ, nâng cao năng lực doanh nghiệp

Mới đây, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Giá (sửa đổi) liên quan đến quy định về thẩm định giá.

Theo ông Nguyễn Kim Đức - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất nỗ lực trong việc sửa đổi những bất cập tồn tại của Luật Giá hiện hành, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ nghề thẩm định giá, hạn chế việc cho thuê, cho mượn thẻ thẩm định viên về giá.

Về số thẩm định viên về giá, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) quy định, DN khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá phải có 5 người (thay vì 3 người như trong Luật Giá hiện hành) có thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại DN, chi nhánh DN phải có ít nhất 3 thẩm định viên về giá (thay vì 2 người). Ths. Đinh Thị Hà - Công ty TNHH Thẩm định giá VNG Việt Nam cho rằng, việc quy định tăng số lượng thẻ thẩm định viên tối thiểu đối với DN thẩm định giá và chi nhánh DN thẩm định giá sẽ phần nào giảm bớt được DN siêu nhỏ và góp phần nâng cao chất lượng DN thẩm định giá.

Quy định vốn điều lệ để quản lý tốt hơn doanh nghiệp thẩm định giá
Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá cũng được quy định chặt chẽ hơn. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, theo Ths. Đinh Thị Hà, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng một số DN thẩm định giá thường xuyên thay đổi người đại diện theo pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với các DN này, cũng như kiểm soát chất lượng hoạt động của chính DN.

Việc quy định thời gian tối thiểu 1 năm để được tiếp tục là người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của DN thẩm định giá khác, sẽ phần nào khắc phục được tình trạng nêu trên. Đồng thời, việc yêu cầu cao hơn đối với người đại diện theo pháp luật DN thẩm định giá phải có ít nhất 36 tháng là thẩm định viên về giá hành nghề trước khi trở thành người đại diện theo pháp luật, nhằm hạn chế tình trạng quản lý kém, trình độ chuyên môn yếu của một số đại diện pháp luật.

Việc quy định vốn điều lệ tối thiểu và số vốn góp của các cổ đông là thẩm định viên cũng nhận được sự quan tâm của các đại diện đến từ các DN thẩm định giá. Có ý kiến cho rằng, cần quy định vốn điều lệ nhằm góp phần nâng cao năng lực DN, thay vì phát triển về số lượng.

Quy định như trên nhằm tạo điều kiện để phát triển nghề bền vững, có thể tăng mức vốn điều lệ hoặc quy định đối với vốn kinh doanh để quản lý tốt hơn số DN thẩm định giá.

Thường xuyên thay đổi người đại diện gây khó cho quản lý

Thời gian qua đã xuất hiện tình trạng một số DN thẩm định giá thường xuyên thay đổi người đại diện theo pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với các DN này, cũng như kiểm soát chất lượng hoạt động của chính DN.