Gỡ chồng chéo trong quy hoạch

Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội), thời gian qua, hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn được quy định tại Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng và một số nội dung được quy định tại nhiều Luật khác có liên quan.

Việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung này phải tham chiếu ở nhiều quy định khác nhau, vẫn còn sự chồng chéo, chưa thống nhất, chưa cụ thể, gây khó khăn cho công tác áp dụng và thi hành. Do đó, cần sớm ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế và hệ thống hóa, cụ thể hóa các nội dung trong cùng một Luật, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình hiện nay.

Quy hoạch để phát triển bền vững, tránh chỉ để bán đất thu tiền

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội)

Đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật khi có nhiều quy định về các nội dung quan trọng để làm cơ sở cho việc lập và thực hiện quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình về chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, đồng thời đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi và dễ thực hiện của các quy hoạch.

Về thời kỳ quy hoạch, đại biểu cho biết, theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều phải lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh theo thời kỳ quy hoạch 10 năm; trong khi đó, dự thảo Luật quy định quy hoạch đô thị và nông thôn đối với các quy hoạch chung có thời hạn 20 – 25 năm, tầm nhìn của quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương là 50 năm.

Sự chưa thống nhất này dẫn đến quá trình thực hiện các phương án quy hoạch để tích hợp dự báo khó bảo đảm sự đồng bộ, tương thích, thời điểm khớp nối các thành phố trực thuộc trung ương không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Nếu thời kỳ của các quy hoạch này không thống nhất sẽ dẫn đến khó khăn khi lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp hơn về vấn đề này.

Quy hoạch đô thị trên cơ sở đánh giá chi phí trước mắt, lợi ích tương lai

Cùng quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hai phạm trù khác nhau nhưng lại có sự đan xen. Do đó, việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hết sức cần thiết để có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, đảm bảo tính tích hợp, tính bao quát, tránh chồng chéo các quy hoạch với nhau, kết hợp hài hoà giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn.

Hiện nay, các quy hoạch đô thị và nông thôn tuy đã có sàng lọc song vẫn còn chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch được điều chỉnh tại dự án Luật này cũng như các quy hoạch điều chỉnh tại Luật Quy hoạch.

Dẫn chứng, đại biểu cho hay hiện đã có quy hoạch phân khu đô thị nhưng lại có quy hoạch thị trấn với cùng tỷ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch chung của xã cũng cùng tỷ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch vùng huyện sẽ được phân định như thế nào để tránh chồng chéo… Hiện tại đang xảy ra trường hợp quy hoạch chung nhiều khi nhắc lại quy hoạch tỉnh. Do đó đại biểu đề nghị dự Luật phải rà soát và làm rõ vấn đề này.

Quy hoạch để phát triển bền vững, tránh chỉ để bán đất thu tiền
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh yêu cầu quan trọng nữa đặt ra với Luật mới là phải tạo ra được những khu đô thị phát triển bền vững, theo ý nghĩa phải tạo ra được giá trị gia tăng trong tương lai.

Nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư thực hiện các phương án quy hoạch với kỳ vọng hưởng lợi từ giá trị gia tăng trong tương lai. Các giá trị gia tăng cũng là cơ sở tạo sức hút, kéo người dân đến sinh sống, tạo thêm việc làm, dịch vụ tại chỗ. Những điều này là cơ sở tạo nên một khu vực ngày càng phát triển và phát triển một cách bền vững, đại biểu phân tích.

Tuy nhiên, theo đại biểu, có rất nhiều khu đô thị được quy hoạch tràn lan nhà thấp tầng, diện tích hàng trăm hecta, nhưng quy mô dân số rất nhỏ, không đủ quy mô thị trường để phát triển các dịch vụ. “Không có dịch vụ thì người dân không đến sống. Các nhà đầu tư sẽ không đầu tư dài hạn vào đấy. Như vậy, quy hoạch này chỉ giải quyết được mục tiêu trước mắt là bán đất đô thị thu tiền và sau đấy thì không phát triển được” - đại biểu chỉ ra.

Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị phải luật hóa các phương án quy hoạch đô thị dựa trên cơ sở đánh giá, so sánh chi phí trước mắt, lợi ích trong tương lai của phương án, đặc biệt là so sánh giữa chi phí, lợi ích trong việc sử dụng đất.

Cùng với đó, phải quy định cụ thể các nội dung quy hoạch đô thị theo định hướng giao thông TOD, kế hoạch thu hút các nhà đầu tư, tạo nguồn lực phát triển hạ tầng, tránh tình trạng như hiện nay là các dự án đô thị được đầu tư trước, sau đó tạo ra những bức bách hạ tầng buộc Nhà nước phải bỏ tiền ra đầu tư.

Giảm bớt nội dung cần lấy ý kiến trong quá trình lập quy hoạch

Liên quan đến Điều 37 quy định đối tượng, nội dung, hình thức và thời gian lấy ý kiến, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần xem xét, rà soát lại các quy định để tránh hình thức, khó khăn cho các cơ quan quản lý lập quy hoạch. Đại biểu đề xuất không nên quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ lập quy hoạch. Nhiệm vụ lập quy hoạch trước khi phê duyệt cần lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan là phù hợp.

Đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng nếu đã lấy ý kiến ở mức thẩm định nhiệm vụ, thẩm định quy hoạch thì sẽ không lấy ý kiến ở mức tổ chức lập quy hoạch để nhằm giảm bớt thủ tục, đẩy nhanh tiến độ trong công tác lập quy hoạch. Đồng thời lược bỏ quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chi tiết đô thị và nông thôn.