Thủ tướng: Quy hoạch cần chỉ ra tiềm năng, lợi thế, giải pháp phát huy nguồn lực Có thể xem xét, phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia tại kỳ họp bất thường của Quốc hội

Quy hoạch tổng thể không phải là nhắc lại Chiến lược phát triển kinh tế xã hội

Qua thảo luận, các đại biểu đều nhấn mạnh đây là nội dung vô cùng quan trọng và đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội trong hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia để trình Quốc hội lần này.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), đây là nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ và phức tạp nhưng đây cũng là cơ hội để đưa khát vọng, định hướng lớn về xây dựng đất nước trở thành hùng cường.

Với tầm quan trọng, phức tạp như vậy, đại biểu đề nghị Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là tổng hợp có chọn lọc, định hướng lớn để phát triển đất nước không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần hoặc nhắc lại một cách cơ học Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đảng ban hành.

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Hạn chế đi vào chi tiết làm “bó khung” sự phát triển

Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu tại hội trường

Đại biểu góp ý, Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động. Tuy nhiên, những nội dung “quy hoạch cứng” như về giao thông, đất đai, năng lượng và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh thì có thể chốt ở trong quy hoạch này. Đối với những nội dung khác, có thể xã hội hóa hoặc có thể mang tính định tính như vấn đề giáo dục, vấn đề y tế nên xác định là “quy hoạch mềm” để tránh đi vào quá chi tiết, xác định những chỉ tiêu quá cụ thể làm “bó khung” có thể dẫn đến hạn chế việc phát triển.

Cùng với đó, cần xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào, Nhà nước có thể đầu tư bảo đảm tính khả thi và đáp ứng định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý.

Góp ý về kịch bản tăng trưởng được nêu trong báo cáo, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng nếu nhìn vào mục tiêu đến năm 2045 trở thành có nước có thu nhập cao thì cần chọn phương án tăng trưởng cao. Song, nhìn lại những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến kinh tế xã hội thời gian qua, thì đại biểu băn khoăn chọn phương án tăng trưởng cao khó khả thi.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, quy hoạch nhất là quy hoạch tổng thể quốc gia cần hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh, không nên đưa những con số quá cụ thể, bởi mục tiêu cao nhất vẫn là tổ chức không gian phát triển hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc. Nếu vẫn giữ các mục tiêu cụ thể, kịch bản tăng trưởng cao, cần làm rõ quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ đóng vai trò cụ thể như thế nào để tạo ra những đột phá, những động lực hay những trụ cột chính góp phần vào thực hiện mục tiêu đó. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đồng tình với quan điểm của đại biểu Trịnh Xuân An về quy hoạch tổng thể không nên quy định quá chi tiết.

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Hạn chế đi vào chi tiết làm “bó khung” sự phát triển
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại hội trường

Đề xuất có mục tiêu về tính tự chủ, sức chống chịu của nền kinh tế

Trong khi đó, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng nhiều nội dung quy hoạch chủ yếu tập trung vào các định hướng cơ bản mang tính chiến lược phát triển về không gian kinh tế - xã hội. Theo đại biểu, báo cáo cần chỉ ra các nội dung quy hoạch cụ thể hơn việc định hướng chung chung.

Nêu ví dụ đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, đại biểu cho biết quy hoạch đối với lĩnh vực này đưa ra định hướng như: tiếp tục rà soát, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính chứng khoán, nâng cao quy mô hoạt động của thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực, tăng số lượng doanh nghiệp… là không hề mới.

Đại biểu đề xuất định hướng quy hoạch phát triển dịch vụ tài chính ngân hàng nên tập trung vào các vấn đề như xây dựng và phát triển bao nhiêu trung tâm tài chính tầm quốc tế và định vị nó ở đâu, tập trung cơ cấu lại thị trường tài chính mà cụ thể là thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phải đạt ở quy mô nào? Cấu trúc hệ thống cấp tín dụng, các tổ chức tài chính vi mô, cơ sở hạ tầng, tài chính công nghệ, tài chính… cũng cần được chỉ ra trong Báo cáo Quy hoạch tương tự một số ngành và lĩnh vực khác.

Tương tự, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cũng đề nghị quy hoạch cần chỉ rõ, nhấn mạnh, cụ thể hóa hơn nữa các mục tiêu về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ vừa là để ghi nhận những kết quả đã đạt được, vừa thể hiện quyết tâm phấn đấu rõ ràng hơn, tận dụng tốt xu hướng nguồn lực trong những lĩnh vực tiềm năng này.

Đồng thời, đại biểu đề xuất Việt Nam có thể đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2050, đó là năng lực tự chủ, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam đạt trình độ tương đương các nước phát triển trong khu vực ASEAN hoặc Châu Á. Chính phủ và các cơ quan điều hành, các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế sớm nghiên cứu hoàn thiện Bộ chỉ tiêu đánh giá tính tự chủ, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đề xuất hai kịch bản tăng trưởng cho giai đoạn tới

Báo cáo của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia đề xuất 2 kịch bản phát triển, bao gồm: Kịch bản thấp với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,26%/năm giai đoạn 2021-2025, 6,34%/năm giai đoạn 2026-2030, 6,3%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030, 6,49%/năm giai đoạn 2031-2050; Kịch bản phấn đấu với dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,63%/năm giai đoạn 2021-2025, 7,48%/năm giai đoạn 2026-2030, 7,05%/năm cho cả giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng có khả năng đạt 7,16%/năm trong giai đoạn 2031-2050. Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, để bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, tránh việc xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng cao vượt quá khả năng đáp ứng nguồn lực đầu tư, cần cân nhắc nghiên cứu, bổ sung “kịch bản trung bình” tối ưu nhất giữa hai kịch bản.