TV32

Ảnh nguồn Quochoi.vn

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất tới nay, các ĐVHC đã có nhiều lần thay đổi lớn. Quá trình chia, tách ĐVHC các cấp, bên cạnh một số kết quả trước mắt đạt được thì việc chia, tách ĐVHC cũng phát sinh không ít hạn chế.

Đó là sự chia nhỏ ĐVHC dẫn đến phân tán các nguồn lực, tiềm năng phát triển của các địa phương, làm cho bộ máy nhà nước thêm cồng kềnh, tăng biên chế công chức, viên chức, gây lãng phí ngân sách cho đầu tư xây dựng trụ sở làm việc…

Do đó, việc xây dựng nghị quyết về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 là cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội Khóa XIV và tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp các ĐVHC trong thời gian tới.

Theo dự thảo nghị quyết, có 2 trường hợp thực hiện sắp xếp ĐVHC, đó là: Các ĐVHC cấp huyện, cấp xã phải sắp xếp khi có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của UBTVQH; khuyến khích việc sắp xếp các ĐVHC còn lại để giảm số lượng ĐVHC.

Các trường hợp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tuy có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định nhưng nếu có một trong các yếu tố đặc thù như: Có vị trí địa lý biệt lập với các ĐVHC khác; được hình thành và ổn định từ năm 1945 đến nay; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán chưa thuận lợi cho việc sắp xếp thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc chưa thực hiện sắp xếp.

Nguyên tắc của việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã là các ĐVHC mới được hình thành sau sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13.

Tuy nhiên, một số trường hợp sau đây có thể sau khi sắp xếp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định, gồm: có yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư hoặc yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; được thành lập trên cơ sở nhập từ 3 ĐVHC cùng cấp trở lên; được thành lập trên cơ sở nhập 2 ĐVHC cùng cấp nhưng do tình hình thực tế mà không thể nhập thêm ĐVHC khác liền kề.

Qua thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên UBTVQH nhất trí với việc ban hành nghị quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng, rất phức tạp, nhạy cảm, thực hiện chủ trương của Trung ương, sắp xếp tinh gọn bộ máy ĐVHC hiệu lực, hiệu quả. Theo Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, trong năm 2019 cơ bản sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Nghị quyết lần này chỉ tập trung giải quyết thực hiện nhiệm vụ trong năm 2019 là đối với ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt cả 2 tiêu chí về diện tích và quy mô dân số. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, phải cân nhắc tính toán đến các yếu tố về đặc thù lịch sử, truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, điều kiện địa lý tự nhiên.

Về vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy, nghị quyết không quy định rõ mà sẽ có một văn bản của Đảng Đoàn Quốc hội để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Về chế độ chính sách với cán bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải linh hoạt nhưng đồng thời phải có nguyên tắc.

Khi nhập vào, số lượng cấp phó và số lượng cán bộ công chức sẽ dôi lên so với quy định hiện nay, nhưng lộ trình trong thời hạn 5 năm phải bảo đảm quay lại theo đúng quy định. Trước mắt, tạm dừng việc bổ nhiệm, bầu tại các đơn vị mới trừ trường hợp các đơn vị nào thiếu.

H.Y