Sẽ sớm có văn bản hướng dẫn việc sử dụng, lưu hành vaccine dịch tả lợn châu Phi
Đoàn công tác của Cục Thú y sang Cộng hòa Dominica tiêm phòng thử nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET – ASFVAC từ ngày 15/5 - 19/6/2023. Ảnh: NAVETCO.

Ngày 15/7, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội nghị "Đánh giá kết quả giám sát chất lượng và sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi của NAVETCO và AVAC".

Kiến nghị cho phép sử dụng rộng rãi trên toàn quốc

Tại hội nghị, đại diện Cục Thú y, các doanh nghiệp đã thông tin kết quả việc giám sát chất lượng và sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi trên diện hẹp đối với 2 loại vaccine: Vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương NAVETCO (Công ty NAVETCO) và vaccine dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam (Công ty AVAC).

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đến thời điểm này, việc tiêm phòng thí điểm 600.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi trên diện hẹp của 2 Công ty CP NAVETCO và Công ty CP AVAC Việt Nam đã cho kết quả khả quan.

Theo đó, từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, NAVETCO đã cung ứng và phối hợp với các cơ quan chuyên môn giám sát triển khai tiêm vaccine NAVET ASFVAC trên 7 quy mô đàn khác nhau từ 50 lợn/hộ đến 2.000 lợn/trại tại 132 cơ sở thuộc 23 tỉnh, thành phố. Tổng số liều tiêm là 47.435 liều, trong đó tiêm có giám sát là 29.685 liều.

Công ty CP AVAC Việt Nam và Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam sử dụng vaccine AVAC ASF LIVE tại các trang trại nội bộ của Công ty CP trên địa bàn 52 tỉnh, thành phố. Tính đến cuối tháng 1/2023, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đã triển khai tiêm phòng được tổng cộng 600.544 liều vaccine AVAC ASF LIVE cho lợn tại 545 trại chăn nuôi thuộc 32 tỉnh thành.

"Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số liều vaccine dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE đã được triển khai tiêm phòng trên thực địa đạt 100,9% so với kế hoạch. Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương và Chi cục Thú y vùng VI cho thấy, lợn được tiêm vaccine có tỷ lệ kháng thể đạt 94,4%; lợn khỏe mạnh, phát triển bình thường, không phát hiện biểu hiện bất thường liên quan đến vaccine kể từ khi tiêm phòng cho đến lúc xuất bán" - TS Nguyễn Văn Điệp - Tổng giám đốc Công ty CP AVAC Việt Nam nói.

Tại cuộc họp, đại diện hai công ty đều kiến nghị lãnh đạo Bộ NN&PTNT, lãnh đạo Cục Thú y kết thúc chương trình giám sát thí điểm tiêm phòng 600.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi và xem xét sớm cho phép sử dụng rộng rãi trên toàn quốc và xuất khẩu đối với hai loại vaccine NAVET-ASFVAC và AVAC ASF LIVE.

Hai doanh nghiệp cam kết sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng vaccine, quản lý giám sát chặt chẽ việc cung ứng và sử dụng vaccine đúng mục đích, đúng đối tượng, cũng như có trách nhiệm xử lý các vấn đề phát sinh (nếu có) trong quá trình tiêm phòng ở các trại chăn nuôi sử dụng vaccine.

Sẽ sớm có văn bản hướng dẫn việc sử dụng, lưu hành vaccine dịch tả lợn châu Phi
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: NNK

Hai phương án sử dụng và xuất khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y cũng khẳng định về tính hiệu quả của vaccine dịch tả lợn châu Phi. Theo ông Long, qua quá trình kiểm tra, giám sát thực địa rất nghiêm ngặt, hai loại vaccine dịch tả lợn châu Phi đều đảm bảo các chỉ tiêu vô trùng, thuần khiết, an toàn và hiệu lực (trên bản động vật).

Trong quá trình làm việc với Cục Thú y Việt Nam vào cuối tháng 4/2023, các chuyên gia của Mỹ cũng nhận định kết quả đánh giá chất lượng, an toàn, hiệu lực vaccine dịch tả lợn châu Phi của Cục Thú y Việt Nam tương đồng với kết quả đánh giá trước đó tại Trung tâm Nghiên cứu dịch vụ nông nghiệp (ARS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ.

"Các chuyên gia Mỹ cũng đánh giá cao quá trình nghiên cứu, kiểm nghiệm, khảo nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi thương mại tại Việt Nam, đảm bảo đúng yêu cầu của Tổ chức Thú y Thế giới. Đặc biệt, việc sử dụng phương pháp công cường độc để đánh giá hiệu lực của vaccine trên các nhóm lợn là rất công phu, chính xác, ngay cả tại Mỹ hay các nước Châu Âu cũng không có quy định áp dụng"- ông Long nhấn mạnh.

Từ thực tế trên, Cục Thú y đề xuất lãnh đạo Bộ NN&PTNT xem xét cho phép sử dụng rộng rãi và xuất khẩu vaccine NAVET-ASFVAC của Công ty NAVETCO và vaccine AVAC ASF LIVE của Công ty AVAC theo 2 phương án.

Phương án 1, Công ty NAVETCO, Công ty AVAC chỉ được phép sử dụng, xuất khẩu các lô vaccine dịch tả lợn châu Phi do công ty sản xuất sau khi có kết quả kiểm nghiệm đạt yêu cầu về các chỉ tiêu vô trùng, thuần khiết, an toàn và hiệu lực của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I.

Phương án 2, Công ty NAVETCO, Công ty AVAC được phép sử dụng, xuất khẩu vaccine và chủ động tự chịu trách nhiệm kiểm nghiệm chất lượng toàn bộ các lô vaccine sản xuất. Công ty NAVETCO, Công ty AVAC chủ động, tiếp tục thực hiện giám sát chất lượng vaccine cung ứng trên thị trường, có cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng vaccine khi cung ứng trên thị trường, có kế hoạch ứng phó, sẵn sàng khắc phục trong các trường hợp rủi ro không mong muốn xảy ra khi sử dụng vaccine.

Thời gian qua, được sự đồng ý của Bộ NN&PTNT, Cục Thú y cũng đã cử đoàn công tác sang Cộng hòa Dominica tiêm phòng thử nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET – ASFVAC từ ngày 15/5 - 19/6/2023. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET – ASFVAC là an toàn, hiệu quả với tất cả 459 lợn thí nghiệm được tiêm tại thực địa.