Trần Ngọc Vinh

Đại biểu Trần Ngọc Vinh. Ảnh: QH

Bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Ngọc Vinh - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng đã có những chia sẻ về vấn đề này.

* Thưa ông, nhiều vụ khiếu kiện kéo dài thời gian qua đều liên quan đến lĩnh vực đất đai. Vậy làm thế nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân trong vấn đề sở hữu, nhất là lĩnh vực nhà đất?

- Vấn đề tôi quan tâm liên quan đến sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Dân sự lần này chính là vấn đề quản lý, sở hữu đất đai, bất động sản thế nào để giảm bớt khiếu kiện của dân.

Mặc dù, lĩnh vực này, chúng ta đã có Bộ Luật Đất đai (sửa đổi) và đã được sửa đến 3 lần mới được thông qua, điều này chứng tỏ tầm quan trọng của sở hữu đất đai và quản lý đất đai. Một số nghị định liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai cũng được ban hành, xét thực tiễn vẫn còn một số điều cần phải bàn bạc, bổ sung.

Do đó, vấn đề đặt ra là phải sửa luật thế nào, để cái gì có lợi cho dân thì làm. Đấy cũng là thể hiện tinh thần của Hiến pháp mới về quyền con người được bảo vệ bằng pháp luật.

Bộ luật này chỉ sau Hiến pháp, vì vậy, sau kỳ họp thứ 8, phải lấy ý kiến nhân dân về bộ luật này để đảm bảo tính thống nhất và quyền của người dân.

* Thế còn vấn đề sở hữu, quan điểm của ông thế nào?

- Bộ Luật Dân sự là một đạo luật rất lớn và nội dung sửa đổi, bổ sung lần này cũng là những vấn đề rất lớn liên quan đến lợi ích của dân và các tổ chức. Nó không chỉ điều chỉnh về mặt sở hữu mà còn điều chỉnh quan hệ giữa tổ chức, cá nhân về mặt dân sự thế nào nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền sở hữu tài sản hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức.

Do đó, liên quan về vấn đề sở hữu, Bộ Luật cần sửa đổi theo hướng chuyên môn hóa, đó là khi đề cập sở hữu thuộc lĩnh vực gì thì đạo luật liên quan (chuyên ngành) phải có nghĩa vụ cụ thể hóa. Còn Luật này là đạo luật chung và các luật nhánh, luật chuyên ngành phải căn cứ luật này để xây dựng những quy định chi, tiết cụ thể cho lĩnh vực đó.

Ví như đất đai, nhà cửa (Luật Đất đai, Luật Nhà ở phải cụ thể hóa); Tài chính, ngân hàng liên quan đến cổ phần, cổ phiếu thì đạo luật liên quan phải cụ thể hóa...

Điểm mới của luật lần này là làm rõ hơn vấn đề về sở hữu để các đạo luật có căn cứ quy định chi tiết, rõ ràng hơn. Ví dụ, khi người dân mua đất xây nhà, rõ ràng người dân đó được quyền sở hữu nhà, nhưng đất không được sở hữu, mà chỉ sử dụng theo đúng tinh thần của Hiến pháp (Đất sở hữu toàn nhân, nhà nước thống nhất quản lý).

Vấn đề đặt ra, khi nhà nước cần, nhà nước sẽ trưng dụng thì sẽ làm thế nào? Ở đây sẽ quy định rõ đất trưng dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng đền bù khác, đất cho mục đích dân sự, an sinh đền bù khác. Mục đích cuối cùng không để người dân bị thiệt.

* Theo như ông nói, Bộ Luật này là luật nguồn để các luật chuyên ngành dựa vào để xây dựng, tuy nhiên có một số luật chuyên ngành Quốc hội đã thông qua, còn Luật nguồn dân sự đang tiến hành sửa đổi. Vậy làm thế nào để đảm bảo tính đồng bộ?

- Nếu đúng thì đạo luật này phải tiến hành sửa đổi, bổ sung trước, sau đó mới tiến hành sửa đổi, bổ sung, hoặc xây mới các đạo luật chuyên ngành. Nó giống như việc ta xây nhà, lẽ ra trước khi tiến hành xây chúng ta phải có sẵn bản vẽ thiết kế, song đây chúng ta vừa xây, vừa thiết kế nên mới nảy sinh một số bất cập.

Chúng ta đều nhìn ra vấn đề này, đây là điều chúng ta phải rút ra kinh nghiệm, để nghiên cứu kỹ trên cơ sở đó có những đề xuất để làm tốt hơn trong công tác xây dựng luật này thời gian tới, nhằm đảm bảo tính đồng bộ và quyền lợi của người dân.

* Xin cảm ơn ông!

Hồng Chi (ghi)