Doanh nghiệp nhà nước chưa có đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Trong những năm qua, khuôn khổ pháp lý và quy định về quản trị doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã phát triển nhanh và có những tiến bộ đáng kể. Song theo truyền thống, khuôn khổ quản lý vẫn tập trung nhiều hơn vào khuôn khổ quản lý vốn nhà nước và chỉ cho đến gần đây, các quy định mới chú trọng đến việc đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của khu vực nhà nước. Khuôn khổ pháp lý hiện hành coi DNNN là công cụ điều tiết nền kinh tế và chưa thực sự thừa nhận quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của DNNN.

Trao đổi tại cuộc hội thảo mới đây do Viện Chiến lược và chính sách tài chính phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức, nhiều ý kiến đã nêu cụ thể về một số vướng mắc trong cơ sở pháp lý về quản trị công ty trong DNNN, như chưa tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu; chủ sở hữu nhà nước can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp…

Cần minh bạch hóa mục tiêu đầu tư kinh doanh của chủ sở hữu nhà nước và mục tiêu hoạt động của từng doanh nghiệp nhà nước.
Cần minh bạch hóa mục tiêu đầu tư kinh doanh của chủ sở hữu nhà nước và mục tiêu hoạt động của từng doanh nghiệp nhà nước.

Theo TS. Tống Phương Dung, quy định tại Luật số 69/2014/QH13 (Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp), với công ty TNHH một thành viên, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định các vấn đề về huy động vốn; đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định… đối với các dự án đầu tư lớn. Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, để có ý kiến và thực hiện quyền biểu quyết về các vấn đề quan trọng, người đại diện phần vốn nhà nước cần báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, chấp thuận. Việc người đại diện phần vốn nhà nước phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi ra quyết định dẫn đến chi phí giao dịch cao và phát sinh trách nhiệm giải trình đối với hiệu quả của người đại diện.

Hay việc quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu được thanh tra đối với DN do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý (theo Luật Thanh tra) là không phù hợp với chủ trương tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.

Về tiêu chuẩn bổ nhiệm người quản lý doanh nghiệp, công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ tại các DNNN chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh hiện nay. Hiện vẫn chưa có quy định về tuyển dụng theo hình thức thi tuyển hay thuê nhân sự chủ chốt. Bên cạnh đó, việc mặc định vị trí chủ chốt phải là đảng viên khiến nguồn cán bộ hạn chế, thiếu linh hoạt.

Về tiền lương, thưởng hệ thống các quy định pháp luật về tiền lương, thưởng của người lao động và người quản lý trong DNNN được ban hành khá đầy đủ, cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng các nguyên tắc trả lương, thưởng, tuy nhiên chính sách về tiền lương, thưởng người quản lý doanh nghiệp chưa phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước và cơ chế thị trường.

Doanh nghiệp nhà nước được quyền tự chủ hoàn toàn trong hoạt động

Để hoàn thiện khung pháp lý về quản trị công ty trong DNNN tiệm cận với thông lệ quốc tế theo định hướng và quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), nhấn mạnh việc sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 trong thời gian tới đang là cơ hội cho việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp. Qua đó, các quy định hướng tới áp dụng thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp trong điều kiện thực tế ở Việt Nam; cải thiện lòng tin của các nhà đầu tư; tăng cường bảo vệ lợi ích của các chủ sở hữu, nhà đầu tư và bên có liên quan; đồng thời vẫn phải đảm bảo việc quản trị DNNN được thực hiện một cách minh bạch và có trách nhiệm với mức độ chuyên nghiệp và hiệu quả cao.

Tại dự thảo Luật sửa đổi Luật số 69/2014/QH13, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ 4 nhóm chính sách về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, bao gồm: chính sách về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; chính sách về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; chính sách về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Cho phép doanh nghiệp tự quyết định tiền lương theo cơ chế thị trường

Tại dự thảo Luật sửa đổi Luật số 69/2014/QH13, cơ quan soạn thảo đề nghị nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất - kinh doanh và cho phép doanh nghiệp tự quyết định theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với điều kiện sản xuất - kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động để tuyển dụng hoặc thuê nhân lực chât lượng cao; xem xét thí điểm sử dụng tổng giám đốc nước ngoài tại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty; cử thành viên hội đồng thành viên độc lập tham gia điều hành.

Theo đó, cho phép DNNN có quyền tự chủ hoàn toàn trong hoạt động để đạt được các mục tiêu đã xác định và hạn chế sự can thiệp vào hoạt động điều hành doanh nghiệp; tăng cường phân công, phân cấp ủy quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện vốn nhà nước, hội đồng thành viên/hội đồng quản trị (HĐTV/HĐQT), tổng giám đốc DN gắn với quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và lãnh đạo doanh nghiệp. Đồng thời, luật cần quy định trách nhiệm giám sát, kiểm tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu về kết quả, hiệu quả hoạt động của DN theo nguyên tắc thị trường, đúng quy định của pháp luật.

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp; việc thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt Đảng viên hay người ngoài Đảng...

Bài học về quản trị doanh nghiệp nhà nước cho Việt Nam

Tại hội thảo ngày 29/9, đại diện Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính đã đề xuất một số bài học về quản trị DNNN cho Việt Nam từ kinh nghiệm của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và một số quốc gia khác.

Theo đó, chuyên gia của Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho rằng, cần đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính độc lập của hội đồng quản trị (HĐQT) trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. HĐQT phải có thẩm quyền, năng lực và tính khách quan cần thiết để thực hiện chức năng chỉ đạo chiến lược và giám sát quản lý. HĐQT cần hoạt động một cách liêm chính và chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Người tham gia vào HĐQT không được tham gia vào các quyết định quản lý nhà nước có liên quan đến doanh nghiệp mà họ là thành viên. Người đại diện phần vốn nhà nước tham gia vào hội đồng quản trị của DNNN cần công bố mọi khoản sở hữu cá nhân mà họ có trong DNNN và tuân thủ các quy định về giao dịch nội gián.

Đồng thời, cần minh bạch hóa mục tiêu đầu tư kinh doanh của chủ sở hữu nhà nước và mục tiêu hoạt động của từng DNNN. Nhà nước với vai trò chủ sở hữu cần bảo đảm việc quản trị DNNN được thực hiện một cách minh bạch và có trách nhiệm với mức độ chuyên nghiệp và hiệu quả cao. Theo đó, Nhà nước cần đơn giản hóa và chuẩn hóa các hình thức pháp lý của DNNN.

Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao tính minh bạch về hoạt động của DNNN; rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy định về công bố thông tin của DNNN trên nguyên tắc tương đồng với quy định pháp luật về công bố thông tin của công ty đại chúng, công ty niêm yết.