cấp mã số thuế cho doanh nghiệp

Ảnh minh họa: Thu Huyền

Giảm phiền hà cho doanh nghiệp

Theo đó, tại dự thảo thông tư sửa đổi, mã số thuế 13 số (N1N2N3N4N5N6N7N8N9N10 N11N12N13) sẽ được cấp cho các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; đơn vị sự nghiệp trực thuộc tổng công ty, trực thuộc doanh nghiệp có phát sinh nghĩa vụ thuế.

Đơn vị trực thuộc trước khi đăng ký thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp thì đơn vị chủ quản phải kê khai các đơn vị này vào “Bảng kê các đơn vị trực thuộc” để cơ quan thuế cấp mã số thuế 13 số.

Việc sửa đổi quy định này, theo Tổng cục Thuế, do giữa quy định hiện hành của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang không thống nhất về nguyên tắc cấp mã 13 số.

Cụ thể, quy định của Bộ Tài chính là cấp mã 13 số cho các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có phát sinh nghĩa vụ thuế kê khai nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế. Trong khi của Bộ KH&ĐT lại cấp mã 13 số cho tất cả chi nhánh, văn phòng đại diện không phân biệt có phát sinh nghĩa vụ thuế kê khai nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế; địa điểm kinh doanh được cấp mã 5 số (mã số này không phải mã số thuế).

Cũng theo Tổng cục Thuế, hiện nay việc cấp mã số doanh nghiệp thực hiện theo một cửa liên thông, mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế. Nếu cấp mã 13 số như TT80 thì trong trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của DN thay đổi từ “không kê khai trực tiếp với cơ quan thuế” thành “kê khai trực tiếp với cơ quan thuế”, sẽ phải làm thủ tục với cơ quan đăng ký kinh doanh đóng mã 5 số và cấp mới mã 13 số là không phù hợp với thực tế hoạt động của các doanh nghiệp. Trong khi thực tế chỉ là thay đổi thông tin, các đơn vị trực thuộc không chấm dứt hoạt động hay thành lập mới.

Do vậy, Tổng cục Thuế sửa lại để thống nhất nguyên tắc cấp mã 13 số, đồng thời sẽ đề xuất Bộ KH&ĐT (hiện đang soạn thảo quy định thay thế) bổ sung nút tích chọn “Kê khai nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế” trên Giấy đề nghị đăng ký DN để phục vụ công tác quản lý kê khai của cơ quan thuế.

Một điểm mới nữa, theo Tổng cục Thuế, dự thảo thông tư sửa đổi có bổ sung “Thẻ căn cước công dân” và hồ sơ đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân kinh doanh cá nhân thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Quy định này căn cứ Luật căn cước công dân số 59/2014/QH13 ngày 20/11/2014, từ 1/1/2016, công dân Việt Nam sẽ được cấp Thẻ căn cước công dân thay thế cho chứng minh nhân dân.

Sẵn sàng cho quy trình cấp mã số doanh nghiệp tự động

Cũng theo Tổng cục Thuế, dự thảo thông tư đã thay đổi thời gian giải quyết đối với hồ sơ đăng ký qua Sở KH&ĐT từ 03 ngày như quy định cũ xuống còn 01 ngày cho phù hợp với Luật doanh nghiệp 2014.

Đồng thời, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ với nội dung: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT đưa vào vận hành hệ thống cấp mã số doanh nghiệp tự động. Hiện hai Bộ đang dự thảo Thông tư liên tịch trao đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp có quy định quy trình cấp mã số doanh nghiệp tự động.

Theo đó, để kịp thời cấp mã cho DN theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, Hệ thống đăng ký thuế sẽ tự động kiểm tra thông tin, sinh mã và phân cấp cơ quan thuế quản lý, tự động chuyển kết quả cho cơ quan đăng ký kinh doanh; thời gian thực hiện trong vòng 01 ngày (24 giờ).

Một điểm sửa đổi tiếp theo ở khâu tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế. Dự thảo thông tư đã tách rõ các trường hợp, đồng thời sửa lại thời hạn thông báo cho người nộp thuế sửa đổi, bổ sung là 03 ngày làm việc thay vì 01 ngày như hiện tại, cho phù hợp với quy định trong trường hợp kiểm tra phát hiện hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế chưa đầy đủ, chưa đúng quy định, thông tin kê khai chưa chính xác...

Cùng với đó, thời hạn thông báo thay đổi các chỉ tiêu khác trên tờ khai đăng ký thuế cũng được sửa đổi từ thời hạn từ 05 ngày thành 10 ngày. Đồng thời, sửa thời hạn gửi Thông báo tạm ngừng kinh doanh là 15 ngày (quy định hiện tại là 5 ngày) trước khi tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh để thống nhất với quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013, và thống nhất với thời hạn của doanh nghiệp thành lập theo Luật doanh nghiệp.

Dự thảo thông tư cũng bổ sung thời hạn gửi Thông báo đối với trường hợp ra kinh doanh trước thời hạn đã đăng ký tạm ngừng là 15 ngày. Theo Tổng cục Thuế, Thông tư 151/2014/TT-BTC có quy định việc người nộp thuế phải thông báo nếu ra kinh doanh trước thời hạn nhưng không có thời hạn gửi thông báo dẫn đến cơ quan thuế không có cơ sở xử lý trong trường hợp doanh nghiệp ra kinh doanh rồi mới thông báo, và hiện đã có Cục Thuế gặp vướng mắc này.

Đồng thời tại Luật doanh nghiệp cũng có quy định DN gửi thông báo chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh, do đó cần thiết phải bổ sung thêm quy định này.

Ngoài ra, dự thảo thông tư cũng sửa quy định “trước khi” tạm ngừng kinh doanh, tổ chức, cá nhân phải hoàn thành các nghĩa vụ thuế còn nợ với ngân sách nhà nước, thành “Trong thời gian” để phù hợp với Khoản 3, Điều 200 Luật doanh nghiệp 2014.

Loại bỏ các yêu cầu thời hạn tạm ngừng không được quá 01 năm, tổng thời gian ngừng liên tiếp không được quá 02 năm, do đây là những quy định trong Luật DN, chỉ áp dụng với DN thành lập theo Luật DN, không áp dụng chung đối với các đối tượng khác.

N.P