Tổ công tác 24/7

Nói thêm về chuyện không “bắc nước chờ gạo người”, Chủ tịch Quốc hội (QH) cho biết: “Có những vấn đề qua nghiên cứu, qua tiếp nhận thông tin từ các kênh, chúng tôi thấy cần thiết, cấp bách mà Chính phủ chưa trình thì QH sẽ yêu cầu Chính phủ trình, hoặc chúng tôi chủ động có sáng kiến để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tế”.

Sục sôi thay vì chờ nước sôi
Sản xuất an toàn phòng, chống dịch tại Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan).

QH khóa XV đi những bước đầu tiên trong bối cảnh cực kỳ khó khăn vì đại dịch Covid- 19. Những bước đi rất mau lẹ trong giải cứu nền kinh tế và điều đó còn thể hiện QH đồng hành ở mức cao nhất với Chính phủ. Như việc Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) đã thành lập Tổ công tác 24/7. Tổ công tác không thụ động, phụ thuộc mà nghiên cứu từ trước từ sớm từ xa, chủ động đề xuất cả những vấn đề Chính phủ không đề xuất.

Hay là việc lần đầu tiên, nhiệm kỳ QH khoá XV tổ chức cuộc tọa đàm, quy tụ khoảng 100 nhà khoa học, chuyên gia về kinh tế xã hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ bàn về các lối ra cho nền kinh tế, thoát khỏi khủng hoảng vì đại dịch. Tọa đàm này còn là một nội dung của diễn đàn kinh tế, xã hội thường niên của QH đã được Đảng đoàn QH thống nhất ban hành kế hoạch thực hiện, dự kiến sẽ bắt đầu diễn ra vào đầu năm 2022. Phạm vi diễn đàn mở rộng về nội dung, quy mô, không chỉ các vấn đề kinh tế mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường nhằm các mục đích đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm thể chế hoá Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 - 2030...

Sục sôi thay vì chờ nước sôi
Nguồn: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đồ họa: Hồng Vân

Diễn đàn sẽ góp phần phát huy tối đa, tập hợp đầy đủ trí tuệ, đóng góp không chỉ của các đại biểu QH mà còn thu hút, hình thành mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu hàng đầu trong nước và của các tổ chức quốc tế. Diễn đàn này cũng là lần đầu tiên xuất hiện trong hoạt động của QH. Vào các nhiệm kỳ trước, cũng có diễn đàn kinh tế mùa xuân, diễn đàn kinh tế mùa thu nhưng trong phạm vi nhỏ hơn nhiều khi đứng ra tổ chức là Ủy ban Kinh tế QH.

Cũng là lần đầu tiên, vào hồi cuối tháng 9, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đề nghị được đối thoại với Chủ tịch QH Vương Đình Huệ và buổi làm việc đã được thực hiện trực tuyến tại Việt Nam, Hoa Kỳ và một số nước ASEAN. Đại diện lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao tất cả những nỗ lực mà QH, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện để bảo vệ người dân khỏi Covid-19; đồng thời cảm kích khi Chủ tịch QH Việt Nam cùng lãnh đạo các cơ quan đối thoại với doanh nghiệp để tiếp nhận các kiến nghị nhằm tìm ra cách khôi phục hoạt động kinh doanh một cách an toàn.

Điệp khúc: Giảm!

Một sự “sục sôi” nữa còn có thể kể đến là khi thảo luận về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại phiên họp thứ 3, UBTVQH đã đề nghị Chính phủ xem xét khả năng triển khai giải pháp cấp bù lãi suất, nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp. Sang đến phiên họp thứ 4, UBTVQH còn thấy rằng phải tăng quy mô hỗ trợ cho tương xứng với mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh.

Muốn hỗ trợ đúng, phải đủ 3 điều

“Quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi, các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa. Có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách”. - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Ủy ban Kinh tế tính toán, các gói chính sách đang được thực hiện trong năm 2021 đến tháng 9/2021 (chưa tính thực hiện đến cuối năm), mới chỉ bằng khoảng 2,84% GDP. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định thấy rằng, năm 2020 - 2021 là giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay của đất nước, vì vậy cần phải có các gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn, các biện pháp mạnh mẽ hơn để phục hồi kinh tế, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Để có gói hỗ trợ đủ liều lượng và thực sự là thiết thân cho doanh nghiệp, Chủ tịch QH “gọi tên” chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ: “Phải tính toán cả về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải đóng góp nhiều hơn cho việc tái thiết, phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân”.

Tuần này, Chủ tịch QH trực tiếp làm việc với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số cơ quan liên quan để đánh giá thực trạng dư địa của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ; bàn cụ thể về việc thiết kế gói chính sách tổng thể vừa hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội, vừa kích thích nền kinh tế phục hồi; cũng như định hướng sắp tới phối hợp hai chính sách này sao cho hiệu quả. Hội nghị Trung ương 4 (từ 4 đến 7/10) cũng đã thống nhất sẽ xem xét điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ với liều lượng hợp lý để phục hồi kinh tế và vấn đề này sẽ được cụ thể hóa tại Kỳ họp thứ 2, QH khóa XV, khai mạc vào 20/10 tới.

Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, UBTVQH đã quyết cho Chính phủ chi khoảng 140 nghìn tỷ đồng cho các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Nhưng nhìn tổng thể, cả nền kinh tế vẫn là rất “ốm”. Vì vậy, thiết kế chính sách hỗ trợ lúc này không cần phải đếm số lượng mà chỉ cần tuân thủ theo điệp khúc “giảm, giảm và giảm”.

Cho rằng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh sẽ phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội, Chủ tịch QH đã chỉ ra một danh sách dài phải giảm như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bảo đảm đúng mục tiêu, trúng đối tượng là những doanh nghiệp, hợp tác xã đang giảm hoặc không có lợi nhuận do tác động tiêu cực của dịch bệnh, mang lại hiệu quả thiết thực, mở rộng đối tượng là doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiếp tục thực hiện và mở rộng đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất…

Dọc ngang thông suốt

Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay có lẽ là về việc ban hành chiến lược tổng thể ứng phó với đại dịch, thích ứng an toàn với dịch và phục hồi kinh tế. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ yêu cầu, chiến lược tổng thể phải đồng bộ, bài bản, khoa học, nhất quán từ trung ương đến địa phương trên cơ sở các dữ liệu khoa học, nhất là dữ liệu về dịch tễ; đồng thời phải bảo đảm chỉ đạo thống nhất, “dọc - ngang thông suốt”; áp dụng nhất quán từ trung ương đến địa phương có tính đến sự linh hoạt điều chỉnh nhất định cho phù hợp với từng địa phương, từng doanh nghiệp, nhịp nhàng trong tổ chức thực hiện, tránh bị động, lúng túng.

Theo đó, dự thảo báo cáo thẩm tra kinh tế xã hội mà Ủy ban Kinh tế Quốc hội đang hoàn thiện nhấn mạnh đến việc khẩn trương xây dựng chương trình tái thiết, phục hồi nền kinh tế, có phân chia theo giai đoạn. Trong đó, chương trình tái thiết phải tập trung phục hồi sản xuất công nghiệp, các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, duy trì chuỗi giá trị, tận dụng cơ hội phục hồi thị trường đối tác; xây dựng phương án, giải pháp ứng phó với hệ lụy từ làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương...