Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng đầu tiên của năm 2024- Ảnh 2.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ sáng 1/2/2024. Ảnh: TL

PMI quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm

Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, với tinh thần không để "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả", ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm mới 2024, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội; tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt, dứt khoát, rõ ràng, việc nào dứt việc đó.

Xác định chủ đề điều hành của năm 2024 là "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024; Nghị quyết 02 về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

Thủ tướng đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, hoàn thiện quy hoạch, thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị; tranh thủ các cơ hội mới, thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Đồng thời, thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới hydrogen; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Trong công tác thể chế, Chính phủ tổ chức Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 5 dự án luật, đề nghị xây dựng luật; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội trong việc hoàn thiện, trình, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5. Chính phủ, Thủ tướng ban hành 7 văn bản quy phạm (6 nghị định và 1 quyết định quy phạm của Thủ tướng).

Về tình hình kinh tế - xã hội, các báo cáo, ý kiến cũng thống nhất đánh giá tình hình tháng 1 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực với nhiều kết quả quan trọng.

Trong đó, nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định… Thu NSNN đạt 231.000 tỷ đồng, bằng 13,6% dự toán. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ, xuất siêu 2,92 tỷ USD.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu có nhiều tín hiệu tích cực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm trong tháng đầu năm, đạt mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12. Đây là mức tăng đáng kể nhất kể từ tháng 9/2022.

Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. EuroCham đánh giá Việt Nam là "ngôi sao đang lên" về đầu tư trên toàn cầu và "nêu bật vị trí chiến lược" của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam được Nikkei đánh giá là "thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài"…

Kinh nghiệm hơn, bản lĩnh hơn

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành ngày càng có kinh nghiệm hơn, bản lĩnh hơn, chủ động, linh hoạt hơn trong phản ứng chính sách.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế với yêu cầu tuyệt đối không được say sưa, chủ quan với thắng lợi, lơ là, mất cảnh giác trước tình hình.

Theo Thủ tướng, tình hình lạm phát, tỷ giá, nợ xấu còn tiềm ẩn rủi ro. Nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ còn gặp khó khăn do tiếp tục chịu ảnh hưởng từ biến động của thị trường thế giới. Căng thẳng tại Biển Đỏ làm tăng giá cước vận chuyển đi Hoa Kỳ và EU, ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam; tiêu dùng toàn cầu chưa có sự phục hồi rõ nét. Thị trường bất động sản mặc dù đã có chuyển biến tích cực, song còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tạo khí thế mới, động lực mới để giành thắng lợi mới
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ sáng 1/2/2024. Ảnh: TL

Đối với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng trước mắt trong tháng là phải tập trung tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn đầm ấm, vui tươi, nghĩa tình, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết, không để ai không có Tết.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy hiệu quả của 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ và 5 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, trực tiếp làm việc, nắm bắt, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc ở địa phương ngay từ đầu năm.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng. Tập trung tạo thuận lợi thu hút, giải ngân các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội; quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch. Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2024, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng yêu cầu quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; nâng cao chất lượng dịch vụ công, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung triển khai thực hiện Đề án 06 theo tinh thần bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các nội dung trong bài viết rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tiêu đề "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng" nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), tạo khí thế mới, động lực mới trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tiếp tục giành những thắng lợi mới.

Năm 2024 đưa vào vận hành hệ thống giao dịch chứng khoán mới

Chiều 1/2, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã cho biết nhiều thông tin liên quan đến việc thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo Thứ trưởng, để đạt được mục tiêu này sớm nhất vào năm 2025 thì ngay trong năm 2024 Bộ Tài chính phải cùng với các bộ ngành khác triển khai 4 việc quan trọng.

Thứ nhất là xử lý yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Theo quy định hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ 100% khi giao dịch. Bộ Tài chính đã làm việc với các tổ chức xếp hạng, thành viên thị trường để xem xét đánh giá và sẽ trình cấp có thẩm quyền phương án tốt, khả thi xử lý vấn đề này trong năm 2024.

Thứ hai là yêu cầu minh bạch, rõ ràng về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Được biết, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai nội dung này.

Nhiệm vụ thứ ba là minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Ngay trong nửa đầu năm 2024, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết sắp xếp các bước đi phù hợp để đến cuối năm, cơ bản các doanh nghiệp sẽ phải công bố thông tin trên thị trường bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Và cuối cùng, trong năm 2024 sẽ chủ động đưa vào vận hành sớm nhất hệ thống giao dịch chứng khoán mới trên thị trường, đảm bảo yêu cầu về giao dịch, thanh toán, lưu ký của thị trường chứng khoán.

Khẳng định mục tiêu nâng hạng là rất quan trọng, song Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng cho hay trong bất kỳ giải pháp nào cũng phải đảm bảo thị trường quản trị được rủi ro, nhất là rủi ro hệ thống, đảm bảo thị trường vận hành ổn định, an toàn và bền vững.