Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 diễn ra chiều 2/2 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ.

Đánh giá, cân nhắc kỹ tác động khi điều chỉnh giá điện

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về tiến độ sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định 65, đến nay Bộ Tài chính đã triển khai xong quy trình đánh giá tác động, xin ý kiến các bộ, ngành, tổ chức, chuyên gia, gồm cả các tổ chức quốc tế.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã tổng hợp, xin ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp theo quy trình. Đến nay bộ hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi một số nội dung của Nghị định 65 đã được hoàn chỉnh, dự kiến Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ trong đầu tuần tới.

Tháo gỡ khó khăn, củng cố niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: Đức Minh

Thứ trưởng Bộ Tài chính bày tỏ kỳ vọng Nghị định khi thông qua với các nội dung, quy định mới thích ứng với tình hình thực tế, sẽ củng cố niềm tin thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Cũng tại cuộc họp báo, đại diện một số bộ, ngành cũng cung cấp thông tin về những vấn đề khác đang được quan tâm.

Về dự kiến điều chỉnh giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan, như Tổng cục Thống kê để đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trên cơ sở báo cáo của EVN về đề xuất điều chỉnh phương án điều chỉnh giá điện, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, rà soát đề xuất của EVN.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh sẽ được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với việc xử lý khoản lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng của EVN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy Ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát đề xuất các giải pháp ngoài phương án điều chỉnh giá điện.

Tháo gỡ khó khăn, củng cố niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 2/2. Ảnh: Đức Minh

Tăng trưởng xuất khẩu dự kiến thấp hơn trong năm 2023

Trả lời về vấn đề khó khăn trong xuất khẩu khi nhu cầu thế giới suy giảm, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 do vậy sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới.

Mặc dù vậy, cũng có nhiều yếu tố tích cực như các hiệp định FTA tiếp tục được thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực, sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu; các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các Hiệp định FTA.

Trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 đạt mức tăng khoảng 6% so với năm 2022. Năm 2022, xuất khẩu cả nước đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021. Như vậy, với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393 - 394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm 2022.

Tạo thuận lợi cho cả cung - cầu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ có nhiều điểm sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi hơn cho cả bên cầu và bên cung của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trong dự thảo nghị định mới, Bộ Tài chính đã đề xuất hoãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tại Nghị định số 65 và từ ngày 1/1/2024 sẽ thực hiện quy định này. Cùng với đó, cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong 1 năm khi phát hành TPDN riêng lẻ và sẽ thực hiện quy định này từ ngày 1/1/2024.

Để doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức khác nhau để thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ bổ sung quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay, hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật liên quan.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với những điểm gỡ khó tại nghị định mới, thị trường trái phiếu riêng lẻ sẽ "ấm lại", khi niềm tin và dòng tiền trở lại.