Tìm kiếm giải pháp đảm bảo tài chính, an sinh cho người lao động
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Tân

Nhà báo Vũ Tiến - Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức chia sẻ, nhiều NLĐ hiện nay, đặc biệt ở khu vực đô thị và khu vực công nghiệp tập trung đang gặp nhiều khó khăn, nhất là sau đại dịch Covid-19. Không chỉ trong hiện tại, những khó khăn còn được dự báo kéo dài trong tương lai và chưa biết đến khi nào kết thúc.

Vì vậy, an toàn tài chính và an sinh xã hội cho NLĐ là vấn đề hết sức cấp thiết, nhất là trong bối cảnh đời sống có rất nhiều biến động, rủi ro về việc làm, thu nhập, sức khỏe và tình trạng già hóa dân số đang ngày càng gia tăng.

Chia sẻ về tình hình thu nhập, việc làm của công nhân, TS. Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) chiếm tỷ trọng từ 95 - 97%. Tuy nhiên, người thu nhập thấp, người nghèo là đối tượng cần đảm bảo an sinh xã hội nhất, cần tham gia BHXH nhất thì lại không tham gia.

TS. Vũ Minh Tiến cũng nêu lên thực trạng đáng lo ngại là có 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hằng tháng, 36% số công nhân lao động thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh…

“Mặt khác, công nhân lao động làm việc với cường độ cao, kéo dài nhưng tiền lương không cao. Thực tế, người công nhân lao động nếu không làm thêm giờ thì không đủ sống, tương lai bấp bênh” - TS. Vũ Minh Tiến nói.

Theo ông Tiến, đã có hàng triệu người lao động dù biết là thiệt thòi về sau nhưng vẫn rút BHXH vì cuộc sống quá khó khăn trước mắt. Một số người cũng có tâm lý lo sợ chính sách BHXH thay đổi...

Lý giải cho việc tại sao NLĐ hay rút bảo hiểm một lần, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Dony, cho rằng trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam có xu hướng khởi nghiệp hoặc lao động tự do. Việc NLĐ nghỉ việc ở doanh nghiệp và ra ngoài gây ra sự đứt gãy tính liên tục trong đóng bảo hiểm, NLĐ nghĩ sẽ không bao giờ vào công ty nữa và họ quyết định rút BHXH ra để có đồng vốn làm ăn.

Các ý kiến tại hội thảo làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương có sự điều chỉnh chính sách ngày càng hoàn thiện, tốt hơn cho NLĐ, giúp NLĐ yên tâm sản xuất, gắn bó với công việc lâu dài, ổn định cuộc sống./.