PV: Theo Quyết định 35/2015/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ các loại hình hàng hóa thiết yếu trong đó có sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phải đăng ký hợp đồng giao dịch mẫu, điều kiện giao dịch chung. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này đang gây chồng chéo trong quản lý giữa 2 Bộ. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Phùng Đắc Lộc: Bảo hiểm nhân thọ không phải là dịch vụ thiết yếu của người dân, sử dụng thường xuyên và cũng không phải dịch vụ phổ biến (nếu căn cứ trên tỷ lệ dân số Việt Nam sở hữu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là 6,3% tính đến cuối năm 2014). Đặc biệt, người dân chỉ mua bảo hiểm nhân thọ khi đã có đủ khả năng tài chính chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Triển khai Quyết định 35: Doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó
 AVI và các DNBH nhân thọ vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ cho phép tạm thời chưa triển khai áp dụng Quyết định 35 đối với bảo hiểm nhân thọ.   Ông Phùng Đắc Lộc

Trong khi đó, hiện nay Bộ Tài chính là cơ quan cấp Bộ được giao quản lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (thuộc Bộ Tài chính) là đơn vị quản lý chuyên ngành được giao quản lý, giám sát trực tiếp hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Như vậy, xét về mặt quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ nói chung và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nói riêng đã hoàn chỉnh từ khâu phê chuẩn sản phẩm cho đến hoạt động phân phối sản phẩm, giải quyết quyền lợi của khách hàng, kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm...

Khoản 2, 4, Điều 20 Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm tại Nghị định 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 nêu rõ: Đối với các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn con người bổ trợ cho bảo hiểm nhân thọ, DNBH nhân thọ phải tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm được Bộ Tài chính phê chuẩn. Khoản 1, 3, 4, 5 Điều 39, Thông tư 124/2012/TT-BTC cũng quy định cụ thể về việc phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và sản phẩm bảo hiểm sức khỏe...

Vì vậy, việc bổ sung thêm nhiệm vụ giám sát riêng nội dung đăng ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho Bộ Công thương gây chồng chéo chức năng quản lý nhà nước giữa Bộ Tài chính và Bộ Công thương, gây phát sinh thủ tục hành chính đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, gây khó khăn cho DNBH khi triển khai.

PV: Vậy DNBH sẽ gặp khó khăn gì khi đăng ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như nội dung tại Quyết định 35, thưa ông?

Ông Phùng Đắc Lộc: Hiện DNBH đang gặp khó khăn trong việc triển khai quyết định này. Theo đó, trong trường hợp Bộ Công thương yêu cầu thay đổi một số nội dung, cách diễn giải trong hợp đồng bảo hiểm đã trình Bộ Tài chính thì DNBH phải sửa đổi theo và trình lại Bộ Tài chính để được phê chuẩn, như vậy sẽ kéo dài thời gian phê chuẩn sản phẩm.

Trường hợp Bộ Tài chính không chấp thuận phê chuẩn những nội dung của Bộ Công thương mà yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì DNBH tiến thoái lưỡng nan đành phải hủy bỏ sản phẩm bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn trước đây, vì nếu thực hiện sẽ vi phạm yêu cầu của Bộ Công thương. Điều này làm tốn kém chi phí nghiên cứu, thiết kế, phát triển sản phẩm bảo hiểm và kênh phân phối cho DNBH nhân thọ từ 1 tỷ đến 10 tỷ đồng/sản phẩm.

Đặc biệt, bộ hợp đồng bảo hiểm gồm rất nhiều các giấy tờ khác nhau, chưa kể các nhóm hợp đồng bổ trợ đi kèm tùy vào từng yêu cầu riêng của người mua bảo hiểm. Vì vậy, nếu không có sự hướng dẫn thống nhất trước khi triển khai thì DNBH sẽ gặp khó khăn, vướng mắc và đối mặt với rủi ro pháp lý, vì hiện tại chưa biết đăng ký thế nào là đầy đủ. Và nếu phải chờ hướng dẫn thì sẽ kéo dài thời gian cung cấp bảo hiểm nhân thọ ra thị trường.

Đặc biệt, thời gian triển khai Quyết định 35 quá gấp kể từ khi ban hành đến thời điểm có hiệu lực, trong khi đó các DNBH nhân thọ đều thực hiện quản lý hợp đồng bảo hiểm bằng hệ thống tin học có mức độ hợp nhất cao. Để thay đổi theo các yêu cầu của quy định mới DNBH nhân thọ cần nhiều tháng với chi phí rất tốn kém.

PV: Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho DNBH nhân thọ hiện nay, thưa ông?

Ông Phùng Đắc Lộc: AVI và các DNBH nhân thọ vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ cho phép tạm thời chưa triển khai áp dụng Quyết định 35 đối với bảo hiểm nhân thọ, để Bộ Tài chính và Bộ Công thương cùng nghiên cứu và hướng dẫn thống nhất cơ chế vừa phê duyệt sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (của Bộ Tài chính), vừa đăng ký mẫu sản phẩm theo quy định (với Bộ Công thương). Theo đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DNBH, loại trừ các quy định chồng chéo và giảm bớt thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí phát sinh đối với DNBH.

Bên cạnh đó, cho phép công nhận đăng ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sau khi Bộ Tài chính phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, công văn phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm cùng tài liệu được phê chuẩn (theo Thông tư 124) sẽ được gửi đồng thời cho Bộ Công thương và DNBH hoàn thành thủ tục đăng ký sản phẩm…, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho DNBH./.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Chi (thực hiện)