ck

Lợi nhuận của các DN niêm yết sẽ không ảnh hưởng nhiều trước áp lực tăng của tỷ giá.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đà tăng của tỷ giá USD/VND nhìn chung sẽ không có tác động lớn đến “bức tranh” chung về lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.

Áp lực của tỷ giá tăng ngày càng rõ

Đồng USD trên đà tăng mạnh trong một vài tháng gần đây, khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức nâng lãi suất điều hành lần thứ 2 trong năm nay, sau cuộc họp diễn ra vào trung tuần tháng 6 vừa qua. FED cũng tuyên bố có thể nâng lãi suất thêm 2 lần trong nửa cuối năm và đây là tín hiệu cho thấy FED sẵn sàng đẩy nhanh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ. Sau quyết định này của FED, đồng USD đã tăng giá mạnh trong một vài tháng qua và hiện chỉ số Dollar Index (đo sức mạnh đồng USD) đã chạm mức 95,1 điểm vào ngày 20/6/2018 (mức cao nhất kể từ tháng 7/2017), trước khi giảm nhẹ về mức hiện tại là 94,4 điểm. Diễn biến này của thị trường tiền tệ thế giới đã trực tiếp và có ảnh hưởng ngày càng rõ rệt đối với thị trường tiền tệ của Việt Nam.

Trong trung tuần tháng 7, tỷ giá USD/VND đã có những diễn biến rất phức tạp. Sau khi ra tín hiệu sẽ can thiệp thị trường và hạ giá bán USD xuống 23.050 từ ngày 4/7, thực tế sau đó 2 tuần, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới bán USD cho các ngân hàng thương mại (NHTM). Lượng ngoại tệ lớn được bán ra giúp bù đắp thiếu hụt cung cầu, tỷ giá của các NHTM khá ổn định, giao dịch ở mức 23.010/23.080 đồng (mua vào/bán ra). Tuy nhiên, trên thị trường tự do, tỷ giá vẫn không ngừng tăng.

Ngày 23/7 vừa qua, NHNN giảm mạnh tỷ giá trung tâm khoảng 16 đồng từ 22.660 đồng xuống 22.644 đồng, trong khi đó lại bất ngờ nâng tỷ giá bán USD từ 23.050 đồng lên 23.273 đồng, tăng 223 đồng lên trở lại mức giá cũ. Đây là tín hiệu cho thấy NHNN đã chấm dứt việc bán ngoại tệ giá rẻ cho các NHTM. Sau động thái này, các NHTM cũng nâng mạnh giá USD niêm yết khoảng 160 đồng lên mức 23.190/23.260 đồng, tương đương bước tăng khá sốc 0,7% chỉ trong một phiên và tăng 2,3% từ đầu năm.

Đánh giá về diễn biến này, SSI Retail Research cho rằng, có thể tỷ giá đang phản ứng quá mạnh với động thái mới của NHNN, bởi trong ngắn hạn cung cầu ngoại tệ vẫn tương đối cân bằng, đặc biệt sau khi NHNN đã bán ra dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, áp lực về dài hạn không nhỏ bởi cả các yếu tố trong và ngoài nước.

Không tác động quá lớn tới doanh nghiệp niêm yết

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDS), đà tăng của tỷ giá USD/VND nhìn chung sẽ không có tác động lớn đến bức tranh chung về lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.

“Đà tăng của tỷ giá USD/VND sẽ có tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp đang có nhiều nợ vay bằng đồng USD, cũng như những doanh nghiệp nhập khẩu ròng. Tuy nhiên sẽ có lợi cho những doanh nghiệp xuất khẩu ròng và không có hoặc có ít nợ vay bằng đồng USD. Do đó, tính gộp lại thì ảnh hưởng của biến động tỷ giá sẽ không làm thay đổi nhiều về bức tranh chung về lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết”, VNDS phân tích thêm.

Cụ thể, những doanh nghiệp xuất khẩu ròng, đồng thời không có hoặc có ít nợ vay bằng đồng USD sẽ được hưởng lợi từ đà tăng của tỷ giá USD/VND, ví dụ như những doanh nghiệp trong ngành thủy sản, dệt may và cao su. Những doanh nghiệp nhập khẩu ròng sẽ phải đối mặt với đà tăng của nguyên liệu đầu vào và kéo theo sự suy giảm của tỷ suất lợi nhuận khi tỷ giá USD/VND biến động tăng. Còn những doanh nghiệp có nợ vay bằng đồng USD lớn trong khi không có hoặc có ít nguồn thu ổn định bằng USD, sẽ gặp rủi ro khi tỷ giá đồng USD/VND biến động tăng làm tăng chi phí tài chính.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn cho rằng, FED nâng lãi suất và sự lên giá của đồng USD trong thời gian qua là một nguyên nhân khiến giới đầu tư toàn cầu rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng đã gây ra áp lực lớn lên VN-Index. “Những diễn biến trên thị trường ngoại hối trong thời gian qua có thể cũng khiến một số nhà đầu tư lo lắng. Tuy nhiên nếu hiểu thực chất vấn đề, sự lo lắng này là không cần thiết”, ông Linh nói.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, việc tăng tỷ giá xuất phát từ yếu tố bên ngoài khó có thể nói là ngắn hạn, bởi chúng ta chưa thể chắc chắn đồng USD sẽ ngừng tăng giá trong một thời gian ngắn nữa. Tuy nhiên, về nội lực của Việt Nam, với mức dự trữ ngoại hối đã tăng lên trên 63 tỷ USD, bằng 3,5 tháng nhập khẩu, nhà đầu tư có thể yên tâm về khả năng bình ổn tỷ giá trong một vài tháng tới. Bên cạnh đó, còn nhiều công cụ khác từ các công cụ thị trường như lãi suất đến các công cụ hành chính để ổn định thị trường ngoại hối.

Chu Thái