Hàng dài người xếp hàng trước cửa Sở trợ cấp thất nghiệp ở Tây Ban Nha. Ảnh: CNN
Trong khi đồng tiền Euro vẫn đang đà trượt giá không phanh, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế, tỷ lệ người không có việc làm ở khu vực này trong tháng 10 lại giảm tiếp xuống còn 10,7% so với mức 10,8% của tháng 9. Trước đó, hồi tháng 7, với mốc 10,9% tại đây đã ghi nhận lần đầu tiên tỷ lệ thất nghiệp đạt dưới 11% kể từ tháng 2/ 2012.
Theo cơ quan thống kê châu Âu, trong tháng 10, Đức là quốc gia có mức thất nghiệp thấp nhất, chỉ 4,5% ứng với 2,6 triệu người. Đây là con số kỷ lục của nền kinh tế mũi nhọn ở khu vực EU này, kể từ khi nước Đức thống nhất sau thời kỳ chiến tranh lạnh.
Mặc dù tỷ lệ người không có việc làm của khối gồm 19 quốc gia thành viên châu Âu nhìn chung vẫn cao (ví dụ so với Nhật Bản, Hàn Quốc con số ghi nhận chỉ khoảng 3%), nhưng chỉ số này đã giảm liên tục từ mức 12,2% vào giữa năm 2013, tức là khoảng 1,5 điểm phần trăm trong vòng 1 năm rưỡi. Các số liệu này làm dấy lên hy vọng rằng khối đồng tiền chung Euro có thể dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ kéo dài nhiều năm qua. Kể từ khi suy thoái kinh tế xảy ra hồi đầu năm 2013, mức tăng trưởng chỉ đạt trung bình 0,3% mỗi quý – tốc độ hết sức chậm chạp và chưa bằng 1 nửa so với trước khủng hoảng.
Kể từ giữa năm ngoái, nhịp độ tăng trưởng dường như đã bắt đầu gia tăng. 3 quý cuối 2014, con số tương ứng lần lượt là 0,1%, 0,3% và 0,4%. Quý I/2015 ghi nhận mức tăng mạnh nhất: 0,5%, thể hiện sự phấn khích của khu vực sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB công bố gói nới lỏng định lượng (QE) để kích cầu kinh tế các nước. Nhưng sau đó, nhịp độ này đã giảm nhẹ trở lại, về mức 0,4 và 0,3% trong 2 quý giữa năm nay.
Trái ngược với xu hướng giảm tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone, con số này ở nước cộng hòa lớn nhất Tây Âu là Pháp lại tiếp tục gia tăng. Trong vòng 3 tháng gần đây nhất, tỷ lệ nói trên đã tăng từ 10,4 đến 10,7%. Quốc gia có tỷ lệ người thất nghiệp cao nhất khu vực này vẫn là Hy Lạp, với xấp xỉ 25% trong những tháng gần đây. Số người trẻ tuổi không kiếm được việc làm ở nước này vẫn trên 50%. Tại Tây Ban Nha, tình hình cũng khá ‘mù mịt’ khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục hơn 20%, với khoảng 48% số người trẻ tuổi bất lực trong việc tìm kiếm nghề nghiệp ổn định./.
Ngọc Vũ (theo Business Insider)