lọc dầu

Ảnh minh họa

Đà phục hồi kinh tế đang diễn ra tại GCC được dự báo sẽ tăng tốc vào năm 2022 khi làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba bắt đầu thuyên giảm. Các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai rộng rãi tại GCC, và các mức cắt giảm sản lượng dầu thô đã dần thu hẹp theo thỏa thuận giữa Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+.

Nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Đông-Bắc Phi của IIF Garbis Iradian nhận xét: "Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế GCC sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 1,7% trong năm 2021 và 4,2% năm 2022. Sự cải thiện của Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) và hoạt động tín dụng đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực tư nhân".

Nền kinh tế UAE đang trên đà phục hồi khởi sắc nhờ giá dầu tăng, tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cao hơn và nỗ lực cải cách cơ cấu tiếp tục đạt được nhiều kết quả khả quan. Chỉ số PMI đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm qua là 54 điểm vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, IIF cho rằng việc các nước châu Âu và những nơi khác có thể tái áp dụng các quy định hạn chế đi lại do sự lan nhanh của biến thể Delta có nguy cơ tạo "cơn gió ngược" đối với đà phục hồi hiện nay.

Chuyên gia Iradian cho rằng, sức khỏe tài chính của UAE có thể cải thiện ở mức độ vừa phải trong năm 2021 nhờ sự phục hồi của giá dầu. Giá dầu cao hơn kết hợp với sự phục hồi kinh tế sẽ hỗ trợ cho khu vực ngân hàng bằng cách cải thiện tình hình thanh khoản và nhu cầu tín dụng của khu vực tư nhân.

IIF đánh giá rằng, tăng trưởng GDP của Saudi Arabia dự kiến sẽ tăng tốc và đạt 4,6% trong năm 2022, so với mức -4,1% ghi nhận trong năm 2020 và 1,9% năm 2021. Chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Saudi Arabia đã đạt được tiến bộ đáng kể, với hơn 50% dân số được tiêm chủng. Giá dầu cao hơn và việc thu hẹp các mức cắt giảm sản lượng dầu được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thêm cho đà phục hồi kinh tế và cải thiện tình hình tài khóa của Saudi Arabia.

Xét về toàn khu vực GCC, bao gồm Saudi Arabia, UAE, Qatar, Oman, Bahrain, Kuwait, IIF nhận định các ngân hàng trung ương ở GCC dự kiến sẽ không thay đổi chính sách lãi suất cho đến cuối năm 2022 khi họ tiếp tục theo dõi chính sách lãi suất của Mỹ. Các ngân hàng trung ương trong khu vực đã duy trì các biện pháp hỗ trợ thanh khoản để vực dậy khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bằng cách cho phép họ hoãn thanh toán các khoản vay hiện có và cấp thêm tín dụng cho doanh nghiệp.

Các nước GCC sẽ chứng kiến tình hình ngân sách khá vững trong năm 2021. Nhà kinh tế Iradian cho rằng với giả định giá dầu Brent đạt trung bình 67 USD/thùng, thâm hụt ngân sách của GCC sẽ giảm từ 8,5% GDP năm 2020 xuống còn khoảng 1% trong năm 2021. Tổng doanh thu từ hydrocarbon của 6 nền kinh tế GCC dự kiến tăng mạnh từ 221 tỷ USD năm 2020 lên 326 tỷ USD trong năm 2021./.

Theo TTXVN