Đây là quan điểm được nêu tại cuộc Hội thảo quốc tế về thuế tối thiểu toàn cầu và tác động đối với chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam, do Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, tổ chức ngày 24/4.

Cần bổ sung quy định về thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu áp dụng tại một số quốc gia từ 2024, qua đó sẽ có tác động đến môi trường đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài và hệ thống các chính sách ưu đãi của các quốc gia trong đó có Việt Nam.

Với thực trạng là nước nhận vốn đầu tư của nước ngoài lớn, có nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, Việt Nam cần kịp thời nghiên cứu, xây dựng và ban hành các giải pháp chính sách phù hợp.

Việt Nam có 1.015 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu.
Việt Nam có 1.015 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu.

Trình bày về những vấn đề đặt ra trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, hiện nay, các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như Việt Nam đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có việc quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QĐMTT) để tránh việc các tập đoàn phải nộp thuế bổ sung về nơi công ty mẹ đóng trụ sở chính, đồng thời cũng nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các công ty chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu.

Theo tính toán từ nguyên tắc đánh thuế và dữ liệu từ quyết toán thuế năm 2022 của các doanh nghiệp thì có khoảng 90 tập đoàn có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu áp dụng từ năm 2024; đồng thời, nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng 10.000 - 20.000 tỷ đồng.

Do đó, Việt Nam cần chủ động thực hiện theo chương trình thuế tối thiểu toàn cầu, cụ thể là cần bổ sung quy định về thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng tại Việt Nam. Đồng thời, chính sách cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Ưu đãi đầu tư trực tiếp, đúng thời điểm

Đại diện công ty Luật Kim&Chang cũng cho rằng, đối với Việt Nam, phương án hiệu quả nhất để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu là áp dụng QĐMTT. Trong trường hợp do tính cấp bách cần áp dụng QĐMTT ngay từ năm 2024, thì phương án như ban hành nghị quyết của Quốc hội là một phương án phù hợp. Để dự phòng trường hợp thời điểm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên thế giới bị lùi lại, công ty này khuyến nghị Quốc hội xem xét phương án ủy quyền cho Chính phủ quyết định thời điểm áp dụng QĐMTT.

Thiết lập môi trường đầu tư tích cực sau khi có thuế tối thiểu toàn cầu

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Vân Chi, với mục tiêu thích ứng môi trường mới, bối cảnh mới, chúng ta phải trả lời được các câu hỏi mang tính định hướng về các biện pháp chính sách thu hút đầu tư giai đoạn hậu thuế tối thiểu toàn cầu, như việc thiết lập môi trường đầu tư tích cực để thu hút các nhà đầu tư mới; hay là chính sách thuế đối với các tập đoàn lớn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài nhằm giữ quyền đánh thuế của Việt Nam theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu; cũng như các câu hỏi thực tiễn về các bước điều chỉnh trong giai đoạn quá độ...

Khi áp dụng QĐMTT, sức cạnh tranh thu hút đầu tư vào Việt Nam sẽ bị giảm sút. Do đó, Việt Nam cần ban hành và thực thi chính sách ưu đãi đầu tư mới phù hợp. Theo khuyến nghị của công ty Luật Kim&Chang, các ưu đãi này nên được áp dụng có tính trực tiếp, đúng thời điểm và có tính chất hỗ trợ tài chính. Đồng thời, Chính phủ vẫn cần tiếp tục cải cách thể chế, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng theo một lộ trình lâu dài, liên tục bằng nguồn lực tài chính thông thường.

Về vấn đề này, Nhóm Thuế của WB cho rằng, các quốc gia có thể áp dụng QĐMTT của riêng mình, tuy nhiên phải được triển khai và áp dụng theo cách nhất quán với các quy tắc của GloBE (chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu). Theo đó, có quy định cấm cung cấp hỗ trợ hoặc các lợi ích khác được thiết kế để “bồi thường” cho QĐMTT.

Nhấn mạnh ưu đãi thuế có tác động hạn chế đến quyết định địa điểm đầu tư, các chuyên gia của WB lưu ý các yếu tố khác như lực lượng lao động lành nghề, chất lượng cơ sở hạ tầng… đóng vai trò lớn hơn và sẽ ngày càng quan trọng khi các quy tắc GloBE có hiệu lực. Bên cạnh các ưu đãi, các phương án khác cũng cần được xem xét, chẳng hạn như sử dụng nguồn thu từ QĐMTT để tài trợ cho các khoản hỗ trợ đầu tư R&D, đào tạo, cơ sở hạ tầng...

Theo Công ty Thuế và tư vấn KPMG, qua quan sát, có thể thấy hai nhóm quốc gia là nhóm có dòng vốn FDI lớn nhất vào Việt Nam (như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…) và nhóm quốc gia là đối thủ cạnh tranh về thu hút đầu tư với Việt Nam trong khu vực (Thái Lan, Malaysia, Indonesia) đều đã và đang có những động thái rất quyết liệt trong việc thay đổi chính sách thuế để thích ứng với tình hình mới.

Chính vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng rà soát và cân nhắc thay đổi những chính sách thuế và pháp luật có liên quan để bảo vệ quyền đánh thuế của quốc gia cũng như tiếp tục giữ chân và thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Đề xuất tách biệt cơ chế ưu đãi cho hai nhóm nhà đầu tư

Đề xuất về giải pháp trước mắt để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu, Công ty Thuế và tư vấn KPMG cho rằng việc rà soát, sửa đổi luật thuế và pháp luật có liên quan để có thể nhanh chóng áp dụng ngay từ năm 2024 sẽ khó khả thi, do đó có thể cân nhắc áp dụng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo quy định tại luật, Quốc hội có thể ban hành nghị quyết để “thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”.

Về dài hạn, cần sửa đổi, bổ sung chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật có liên quan về thuế thu nhập doanh nghiệp để thay thế cho nghị quyết đã ban hành, đồng thời bổ sung nội dung quy định theo quy tắc GloBE để bảo vệ quyền đánh thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Về cơ chế ưu đãi, cần tách biệt cơ chế ưu đãi cho hai nhóm đối tượng là nhóm doanh nghiệp FDI đang hoạt động và chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu, với nhóm những nhà đầu tư mới.

Hiện nay, các vấn đề nhà đầu tư quan tâm hàng đầu là hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hải quan, thủ tục cấp visa, giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài; hỗ trợ về đất đai, miễn giảm tiền thuê đất tiền sử dụng đất; hỗ trợ về nhân lực: các chi phí đào tạo, nâng cao tay nghề, chi phí cho các chuyên gia trình độ cao…; hỗ trợ các ngành đặc thù với các chi phí nghiên cứu phát triển, công nghệ cao, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, các dự án môi trường (ESG)...

Ngoài ra, các giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế thực hiện trong năm 2023 - 2024, trong đó chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về căn bản sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, giảm thời gian hậu cần của các nhà sản xuất, tăng tính cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong khâu sản xuất, phân phối, từ đó củng cố lợi thế tương đối trong thu hút đầu tư.