VATM chào đón điều hành chuyến bay thứ 700.000 trong năm 2016. Ảnh: Thùy Linh
Quản lý bay – lĩnh vực then chốt của ngành Hàng không
Ngược dòng thời gian ngày 20/4/1993, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định chuyển đổi tổ chức của Công ty Quản lý bay Hàng không dân dụng Việt Nam thành Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam. Tiếp đó, ngày 24/1/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định chuyển Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam thành doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích. Ngày 19/6/2008, Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định thành lập Tổng công ty Bảo đảm hoạt động bay Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 25/6/2010, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục ban hành quyết định chuyển Tổng công ty Bảo đảm hoạt động bay Việt Nam thành Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, tổ chức và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đây được xem là những sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo đà cho chiến lược phát triển của Tổng công ty. Chuyển đổi sang mô hình mới với phạm vi hoạt động kinh doanh mở rộng bao gồm cả trong và ngoài nước.
Tại thời điểm hiện tại, VATM đảm nhiệm cung cấp dịch vụ trên diện tích rộng gần 1,2 triệu km vuông, phạm vi hoạt động trải rộng tại 30 tỉnh, thành phố của cả nước, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho hệ thống 31 đường bay quốc nội và 36 đường bay quốc tế. Hàng ngày đã có hàng ngàn chuyến bay đi/đến và quá cảnh của hơn 150 hãng Hàng không trên thế giới thường xuyên hoạt động 24/24 giờ trong vùng thông báo bay của Việt Nam.
Trong gần 20 năm qua, VATM đã không để xảy ra mất an toàn trong phạm vi trách nhiệm của ngành, tổng sản lượng điều hành bay của liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân là 10%/năm, Việt Nam đang được đánh giá là một trong ba quốc gia có tốc độ tăng trưởng vận tải hàng không cao nhất thế giới. Năm 2016, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển, VATM đã điều hành an toàn hơn 730.000 chuyến bay trong một năm, tăng 14% so với kết quả thực hiện của năm 2015. Tổng doanh thu khoảng 2.900 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 770 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2015. Nộp ngân sách nhà nước trên 2.000 tỷ đồng.
Ngoài công tác điều hành tàu bay thương mại thì phục vụ tàu bay chuyên cơ là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, VATM luôn hợp tác chặt chẽ với các cơ quan trong và ngoài ngành xin cấp phép bay đảm bảo phục vụ điều hành cho gần 5 ngàn chuyến bay chuyên cơ tới 5 châu lục an toàn và đúng kế hoạch, tuân thủ theo Công ước quốc tế của Hàng không dân dụng, góp phần tích cực phục vụ Đảng, Nhà nước ta thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại trong sự nghiệp đổi mới.
Là quốc gia thành viên của ICAO, Việt Nam tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn khuyến cáo thực hành của ICAO, tích cực chủ động tham gia hội nhập Không vận quốc tế theo kế hoạch của ICAO khu vực, nổi bật là việc tổ chức lại hệ thống đường bay song song trên khu vực Biển Đông; thực hiện thành công việc tổ chức điều hành bay theo phương thức giảm phân cách cao trên toàn bộ các đường bay trong FIR của Việt Nam; Áp dụng, xử lý kế hoạch bay tự động và gần đây là mẫu kế hoạch bay và điện văn không lưu mới; áp dụng phương thức dẫn đường theo yêu cầu, triển khai áp dụng thành công phương thức kiểm soát điều hành bay sử dụng phương thức liên lạc dữ liệu giữa KSVKL và người lái, áp dụng giám sát tự động phụ thuộc tại các khu vực ngoài vùng phủ sóng rada thứ cấp thuộc FIR Hồ Chí Minh,… Năm 2014, Tổng công ty chính thức trở thành thành viên của tổ chức CANSO - một tổ chức của các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên thế giới, đại diện cho lợi ích của cộng đồng quản lý không lưu toàn cầu. Năm 2016, đưa hệ thống đường bay song song trục Bắc-Nam áp dụng tính năng RNAV5 vào khai thác, tổ chức chuyển đổi phương thức bay dẫn đường đi/đến theo công nghệ tiên tiến SID/STAR RNAV1 tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài. Các hoạt động này đã làm thay đổi toàn bộ việc quản lý vùng trời trước đây, đem lại nhiều lợi ích quốc gia, lợi ích của ngành trong hoạt động hàng không dân dụng, tối ưu hóa việc sử dụng vùng trời, giảm tắc nghẽn và chậm trễ, đáp ứng nhu cầu vận tải của các hãng hàng không trong nước và quốc tế.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, với đặc thù chuyên ngành, hệ thống ra-đa giám sát hiện đại, VATM đã giám sát theo dõi và phát hiện hàng chục vụ máy bay lạ xâm phạm vùng trời của Việt Nam, kịp thời phối hợp hiệp đồng với các đơn vị quốc phòng và các cơ quan quản lý không lưu của các nước trong khu vực, phát hiện và chấn chỉnh các hoạt động bay không đúng theo kế hoạch hoặc vi phạm quy chế bay… góp phần giữ vững an ninh an toàn chủ quyền vùng trời Tổ quốc.
Vươn tầm lên hàng đầu khu vực, tiệm cận thế giới
Trong thời gian tới, khi tình hình kinh tế, chính trị thế giới, trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường. VATM đang đứng trước những khó khăn thách thức như thiếu vốn cho đầu tư phát triển để đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm an toàn bay theo lộ trình của ICAO, lưu lượng bay tăng cao, tính chất hoạt động hàng không ngày càng phức tạp, điều kiện thời tiết, khí hậu không thuận lợi. Tổng công ty phải vượt qua những khó khăn thách thức, nỗ lực phấn đấu, quyết liệt trong quản lý, điều hành, chủ động nắm bắt và tạo dựng thời cơ để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay An toàn - Điều hoà - Hiệu quả trong vùng trời trách nhiệm được giao.
Để đạt được mục tiêu này, VATM tập trung thực hiện các giải pháp chiến lược trọng yếu sau: Đổi mới công nghệ, hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị, các cơ sở điều hành bay. Triển khai đồng bộ công tác quản lý chất lượng các dịch vụ đáp ứng mục tiêu của Tổng công ty, tích cực hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn của Tổng công ty, áp dụng các phương thức bay, phương thức điều hành bay mới và tiên tiến nhất để giảm tải cho kiểm soát viên không lưu, đảm bảo điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả. Trong đó tập trung chuyển đổi phương thức bay dẫn đường theo tính năng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động bay tăng cao.
Nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm, VATM tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn của Tổng công ty để chủ động nhận diện mối nguy hiểm, đánh giá mức độ rủi ro, đưa ra các biện pháp giảm thiểu, từ đó có lập kế hoạch thực hiện giảm thiểu rủi ro, đánh giá kết quả khắc phục.
Bên cạnh các giải pháp về đầu tư công nghệ, VATM chú trọng đổi mới trong đào tạo nguồn nhân lực mà trọng tâm là những tiêu chuẩn, quy trình, phương thức đào tạo, mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo lực lượng không lưu, kỹ thuật. Trong đó tập trung chuyên môn hóa các dịch vụ không lưu, kỹ thuật, khí tượng, tìm kiếm cứu nạn. để đảm bảo có nguồn nhân lực chất lượng cao trong dây chuyền cung cấp dịch vụ của Tổng công ty góp phần xây dựng ngành Hàng không nói chung và ngành Quản lý bay nói riêng ngày càng vững mạnh. Quyết tâm xây dựng Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trở thành “một trong những Nhà cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực Đông Nam Á”.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) là một trong 161 thành viên chính thức của Tổ chức các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay toàn cầu (CANSO). Năm 2017 đã vinh dự lọt vào danh sách 4 đề cử chung cuộc cho Giải thưởng trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ (IHS Jane’s ATC Award 2017). Giải thưởng được tổ chức hàng năm kể từ năm 2001 nhằm ghi nhận những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, các dự án và công nghệ góp phần quan trọng trong việc nâng cao an toàn, năng lực khai thác vùng trời và hiệu quả môi trường. |
Trí Dũng