VinaCapital cho biết, năm 2023, xuất khẩu Việt Nam ghi nhận tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, gây ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng GDP năm 2023. Giá trị xuất khẩu đạt bình quân 90% GDP trong giai đoạn 2019-2022.

Xuất khẩu đã ghi nhận đà tăng vào quý IV/2023 và tăng mạnh 42% so với cùng kỳ vào tháng 1/2024 nhờ mức tăng 33% trong mảng xuất khẩu sản phẩm điện tử công nghệ cao (chiếm 1/3 tổng mức xuất khẩu của Việt Nam).

VinaCapital: Xuất khẩu phục hồi làm xuất hiện nhiều yếu tố tích cực
Xuất khẩu của Việt Nam đang trên đà phục hồi. Ảnh: T.L
Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 ước đạt 5,3 tỷ USD HSBC: Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững vàng

Mức tăng trưởng cao vào tháng 1/2024 là do lấy mốc so sánh thấp khi xuất khẩu của Việt Nam đã giảm vào đầu năm 2023 (xuất khẩu giảm 12% trong quý I/2023) và đó cũng là thời điểm của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng trong tháng 1 này rất ấn tượng, dù trùng vào đợt nghỉ tết và hoặc do xuất khẩu sụt giảm trong năm ngoái (ví dụ, xuất khẩu tăng 6,7% so với tháng trước vào tháng 1/2024). Quan trọng hơn, VinaCapital kỳ vọng sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng nhanh trong những tháng tới.

Ngành sản xuất tăng 19,3% so với cùng kỳ trong tháng 1/2024, vì vậy tăng trưởng xuất khẩu vượt xa tăng trưởng sản xuất. Điều đó có nghĩa rằng hàng tồn kho của các nhà sản xuất đã giảm vào tháng trước (chỉ số PMI của Việt Nam vào tháng 1/2024 cũng xác nhận sự sụt giảm tồn kho hàng thành phẩm). Sự kết hợp của sụt giảm hàng tồn kho và tăng đơn hàng mới đồng nghĩa với hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam sẽ cần đẩy mạnh để đáp ứng được nhu cầu tăng cao cho các sản phẩm “Made in Vietnam”.

Sản xuất chiếm gần 25% GDP của Việt Nam, vì vậy việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP. Thêm vào đó, gần 10% lực lượng lao động của Việt Nam đang làm việc cho các công ty FDI với mức lương tương đối cao. Theo Tổng cục Thống kê, các công ty FDI đã cắt giảm nhân công vào đầu năm 2023, cũng là một lý do khiến GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,3% trong quý I/2023, nhưng lao động trong ngành sản xuất đã phục hồi sau đợt cắt giảm năm ngoái. Lương nhân công nhà máy cũng hồi phục 5 - 7% sau khi đã chạm đáy vào năm ngoái.

Một số yếu tố tích cực có thể sẽ xuất hiện

Nền kinh tế sẽ được thúc đẩy từ việc tăng cường hoạt động sản xuất và mức tiêu dùng cao hơn trong năm nay, được hỗ trợ bởi việc gia tăng việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Niềm tin của người tiêu dùng và nhu cầu tiêu dùng nội địa, những điểm yếu trong năm 2023 do sự cắt giảm nhân công và các vấn đề của ngành bất động sản, sẽ hồi phục. Tuy không kỳ vọng chi tiêu cho tiêu dùng sẽ tăng trưởng mạnh trong quý I, nhưng VinaCapital vẫn kỳ vọng mức chi tiêu cho tiêu dùng và nhu cầu tiêu dùng nội địa sẽ mạnh hơn trong giai đoạn sau của năm nay.