Đây là đánh giá về triển vọng dòng vốn ngoại đón xu hướng nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam của ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên viên nghiên cứu cao cấp - Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS) khi trao đổi với phóng viên TBTCO.

Dòng tiền ngoại vẫn ở lại và tìm cơ hội giải ngân

PV: Thưa ông, dù dòng vốn ngoại liên tục bán ròng, nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cơ bản tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay và lực đẩy chủ yếu là nhờ dòng tiền trong nước. Ông có thể cho biết diễn biến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trên thị trường từ đầu năm tới nay?

Ông Ngô Quốc Hưng: TTCK Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi của khu vực châu Á và Đông Nam Á kể từ đầu năm cho tới nay khi vẫn giữ mức tăng trưởng 19%, tương đương với các thị trường Mỹ và châu Âu, trong khi thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) và thị trường khu vực Đông Nam Á đã “xóa sạch” thành quả từ đầu năm và giảm lần lượt 2% và 3,1%.

Vốn ngoại sẽ tăng mạnh khi nâng hạng hé lộ “cái kết có hậu”

Lực đẩy giúp thị trường trong nước tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số và những phiên giao dịch “tỷ USD” đã trở nên quen thuộc lại chính là dòng tiền nội, trong đó có sự đóng góp của làn sóng các nhà đầu tư mới. Sức bật từ dòng vốn nội không những đưa chỉ số đi lên mà còn “cân” cả lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo thống kê, từ đầu năm cho tới ngày 8/10, khối ngoại đã bán ròng 42.028 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 1,8 tỷ USD) trên toàn thị trường.

Vốn ngoại sẽ tăng mạnh khi nâng hạng hé lộ “cái kết có hậu”
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, MBS.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, khối ngoại bán ròng chứ không phải rút ròng, dòng tiền NĐTNN vẫn chực chờ cơ hội để giải ngân khi điều kiện thuận lợi hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Ngô Quốc Hưng: Không chỉ riêng TTCK Việt Nam bị khối ngoại bán ròng mà các thị trường trong khu vực Đông Nam Á như: Malaysia, Philippines, Thái Lan, … hay ở các thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan,.. đều bị khối ngoại bán ròng kể từ đầu năm cho tới nay.

Việc khối ngoại bán ròng trong năm 2020 và kể từ đầu năm cho tới nay đã không còn tác động mạnh đến thị trường chung cũng như tâm lý nhà đầu tư. Một phần do quy mô của thị trường hiện tại đã lớn hơn nhờ dòng vốn nội. Hơn nữa, hoạt động bán ròng của khối ngoại cũng đi liền với hoạt động tái cơ cấu danh mục đầu tư, dòng tiền có sự dịch chuyển sang các quỹ ETF và thị trường trái phiếu chính phủ.

Theo thống kê từ Bloomberg, kể từ đầu năm cho tới đầu tháng 9, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX khoảng 1,58 tỷ USD, trong khi dòng vốn qua các kênh ETF lại vào ròng 240 triệu USD. Bên cạnh đó, họ cũng mua ròng ở thị trường trái phiếu chính phủ 11.233 tỷ đồng (0,493 tỷ USD).

Thống kê trên cho thấy, mặc dù bán ròng nhưng khối ngoại vẫn có sự cơ cấu danh mục, vẫn lựa chọn những cơ hội tiềm năng để ở lại, quy mô dòng vốn ngoại 6 tháng đầu năm 2021 vẫn cao hơn so với thời điểm cuối năm 2020, tổng danh mục của khối ngoại trên TTCK vẫn đạt hơn 51,3 tỷ USD.

Ngoài ra, đồng tiền Việt Nam không bị mất giá như các đồng tiền trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc,… nên khối ngoại chỉ bán ròng và tái cơ cấu danh mục chứ không phải rút ròng.

Nâng hạng thị trường sẽ là câu chuyện “có hậu”

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc TTCK Việt Nam được nâng hạng sẽ là “điểm nổ” cho dòng vốn ngoại vào thị trường. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng được nâng hạng và dự báo gì về sự gia tăng của dòng vốn ngoại khi Việt Nam được nâng hạng?

Ông Ngô Quốc Hưng: Có thể nói, TTCK Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong 2 năm qua về cả chỉ số, quy mô thị trường, số lượng công ty niêm yết và số lượng nhà đầu tư mới tham gia. Câu chuyện nâng hạng thị trường như một “bộ phim dài tập”, nên các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí của MSCI. Tuy vậy, tôi vẫn tin rằng trong 2 năm nữa, câu chuyện nâng hạng sẽ có “cái kết có hậu” cho TTCK Việt Nam.

Tất nhiên, khi được nâng hạng, dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ tìm đến Việt Nam do thị trường chúng ta có độ mở lớn, đã đáp ứng phần lớn các tiêu chí về định lượng. Bên cạnh đó, điều kiện vĩ mô ổn định sẽ là điểm nhấn quan trọng trong tương quan so với các thị trường trong khu vực. Do vậy, dòng vốn đầu cơ đón đầu xu hướng này thậm chí còn lớn hơn cả dòng vốn vào chính thức.

Vốn ngoại sẽ tăng mạnh khi nâng hạng hé lộ “cái kết có hậu”
Dòng vốn đầu cơ đón đầu cơ hội nâng hạng, thậm chí còn lớn hơn cả dòng vốn vào chính thức.

PV: Ông đánh giá thế nào về diễn biến dòng tiền ngoại trong thời gian tới? Đâu là những yếu tố có thể giúp Việt Nam củng cố kỳ vọng sẽ thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn NĐTNN vào TTCK?

Ông Ngô Quốc Hưng: Tôi cho rằng, triển vọng cho phần còn lại của năm 2021 cho đến giữa năm 2022 phụ thuộc vào tiến độ tiêm vắc-xin. Việc thu hút dòng vốn ngoại vẫn gặp nhiều khó khăn khi những dấu hiệu cho thấy thời kỳ chính sách tiền tệ “dễ dãi” sắp kết thúc và Trung Quốc tiếp tục siết quy định với các công ty lớn. Ở trong nước thiếu vắng những thương vụ "tỷ USD" từ quá trình IPO, hay bán vốn nhà nước ở các doanh nghiệp lớn đang chậm tiến độ.

Tuy vậy, nhìn về dài hạn, những cam kết của Chính phủ trong việc tháo gỡ những rào cản đầu tư, hỗ trợ kinh tế tư nhân, quyết tâm thực hiện các đợt thoái vốn, IPO doanh nghiệp nhà nước và niêm yết các doanh nghiệp lớn, chất lượng.... sẽ tăng sức hút cho dòng vốn ngoại.

Trong ngắn hạn, việc đưa vào sử dụng hệ thống KRX trong thời gian tới cho phép các nhà đầu tư thực hiện giao dịch lô lẻ, giao dịch T+0, … hứa hẹn giúp tăng thanh khoản cho thị trường, giúp thị trường Việt Nam bắt kịp với thế giới. Do vậy, tôi vẫn đặt kỳ vọng lớn rằng, TTCK Việt Nam sẽ thu hút mạnh dòng các dòng vốn tham gia, đặc biệt là dòng vốn ngoại.

PV: Xin cảm ơn ông!