PV: Thưa ông, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nêu một nội dung mới quan trọng là sẽ bỏ khung giá đất áp dụng lâu nay, thay vào đó lập bảng giá đất theo giá thị trường. Ông bình luận thế nào về điều này?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Đây là vấn đề đang được bàn luận rất nhiều gần đây. Theo tôi, khung giá đất trước đây quy định trong bối cảnh xã hội thời điểm đó là rất phù hợp, vì khung giá đất được dùng cho rất nhiều mục tiêu như vừa để thu thuế, tính mức dự án đầu tư, tính tiền bồi thường hỗ trợ, đưa vào giá trị doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… Với nhiều mục tiêu như vậy, trong điều kiện quản lý lúc đó, chúng ta đưa ra quy định khung giá đất là hợp lý, vì đó là sự kết hợp giữa biện pháp hành chính và kinh tế trong việc quản lý, khai thác và sử dụng đất đai.

Xác định giá đất cần phù hợp với mục đích sử dụng
Ông Nguyễn Văn Phụng

Tới nay, khung giá đất này cần sửa đổi để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Tôi cho rằng, việc bỏ khung giá đất thay bằng cơ chế định giá là phù hợp với nền kinh tế thị trường. Nhưng chúng ta cũng phải đứng trên phương diện quản lý nhà nước để xem xét, vì vai trò của Nhà nước là điều tiết, đảm bảo cân bằng lợi ích các bên trong xã hội, bảo đảm nguồn lực đất đai được khai thác hiệu quả, công bằng, minh bạch.

Hiện nay, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề cơ chế quản lý tài chính với đất đai. Chẳng hạn nếu theo giá thị trường, thì không thể khi giá đất tăng lại yêu cầu người sử dụng nộp thêm tiền…

PV: Vậy theo ông, việc xác định bảng giá theo giá thị trường nên căn cứ vào những yếu tố nào để đảm bảo phù hợp, chính xác?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Theo tôi, để quản lý được nguồn lực đất đai phải phân định rõ thành các khâu, giao đất, cho thuê đất thế nào, công nhận đất đang ở ra sao; làm thế nào để tránh đầu cơ, đưa đất vào sử dụng; khi đất đai được chuyển nhượng thì điều tiết thuế thế nào để có nguồn lực cho Nhà nước… Trong mọi trường hợp, dù giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, hợp thức hóa đất đai cũng như điều hành thị trường bất động sản… đều phải coi trọng công tác định giá đất.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thực tiễn lâu nay ở Việt Nam, giá giao dịch trên thị trường rất khác nhau, nên để xác định giá thị trường với đất đai là vấn đề rất nan giải. Hiện nay vẫn chưa rõ định giá đất theo cơ chế thị trường là cơ chế nào. Theo tôi, cơ quan quản lý cần phải xác định được mức giá tương đối hợp lý để quản lý được, thu thuế được sát thực tiễn, nhưng cũng phải thu hút được nhà đầu tư. Bởi nếu họ không đầu tư kinh doanh được thì cũng không có của cải vật chất được tạo ra, như vậy đất đai cũng không phát huy giá trị. Do đó, việc xác định giá đất không chỉ nhằm giá cao thì thu cao, mà phải xem giá có hợp lý, có phù hợp mục đích không? Quyền lực của Nhà nước chính là ở đây, là quy hoạch quyền sử dụng đất, mục đích nào thì giá đất đó. Quyền lực của Nhà nước phải được sử dụng để có phương án tài chính đất đai phù hợp mục đích, yêu cầu của xã hội.

Tôi cho rằng trọng tâm của sửa đổi Luật Đất đai lần này phải làm rõ được công tác quy hoạch và đặc biệt phải nhấn mạnh được quyền lực của Nhà nước trong việc quyết định quy hoạch. Nếu một khu đất đầm lầy để đó thì không có giá trị nhiều, nhưng nếu quy hoạch là khu công nghiệp, khu dân cư thì giá đất sẽ rất khác.

PV: Trong quá trình góp ý về chính sách tài chính với đất đai, có một số ý kiến cũng đề cập đến thuế tài sản như một phương án. Ông bình luận thế nào về điều này?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Đây là vấn đề tôi tham gia nghiên cứu từ lâu, nhưng theo tôi đây chưa phải là lúc phù hợp để ban hành. Để có luật thuế tài sản hiệu quả, công bằng, thiết thực, thì đầu tiên phải đặt vấn đề quản lý được. Muốn làm được nên chăng có luật đăng ký tài sản, để Nhà nước quản lý được hết tài sản của dân cư. Khi quản lý được tài sản rồi sẽ có cơ hội tính toán, định lượng số tài sản trong khu vực dân cư, doanh nghiệp… từ đó sẽ thiết kế được luật thuế tài sản phù hợp.

Thực tế, lâu nay chúng ta đã “vừa làm, vừa chạy”, vừa xây dựng chính sách, vừa quản lý thì cũng có cái hay, phù hợp với giai đoạn trước. Nhưng đến giai đoạn này, chúng ta đã chuyển từ nước thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình, người dân có tài sản nhiều hơn. Thời gian qua, chúng ta cũng có nhiều tiến bộ trong quản lý nhà nước, như: ngành Công an có dữ liệu quốc gia về dân cư, ngành Thuế có dữ liệu về thuế, ngành Tài nguyên môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai.

Vậy nên chăng có cách nào đó để xây dựng được luật đăng ký tài sản, tạo công cụ, phương tiện để quản lý tài sản, trên cơ sở đó thiết kế các chính sách động viên tài chính liên quan đến tài sản cho phù hợp.

PV: Xin cảm ơn ông!