4 tháng, ước giải ngân đạt 21% kế hoạch

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương, Tổ trưởng Tổ Công tác, nội dung chính của buổi làm việc nhằm tập trung làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và kiến nghị giải pháp để triển khai có hiệu quả nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030.

Xử lý kịp thời vướng mắc trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương phát biểu tại cuộc làm việc.

Báo cáo bổ sung triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 CTMTQG, đại diện vụ chuyên môn của Bộ Tài chính cho biết, tại Văn bản số 1704/BTC-NSNN ngày 23/2/2023, Bộ Tài chính đã báo cáo chi tiết về tính kịp thời, đầy đủ, sự phù hợp và hiệu lực của các văn bản trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền theo dõi, quản lý của Bộ Tài chính.

Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành 3 thông tư quản lý kinh phí sự nghiệm thực hiện 3 CTMTQG và 1 thông tư quy định về hệ thống mục lục ngân sách nhà nước (NSNN), 1 thông tư quy định mẫu biểu sử dụng trong công tác thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công.

Về kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 3/2023 là 2.436 tỷ đồng, đạt khoảng 10% kế hoạch; ước đến hết tháng 4/2023 là 4.927,6 tỷ đồng, đạt khoảng 21% kế hoạch. Trong đó: CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đạt 19%; CTMTQG giảm nghèo bền vững đạt 21%; CTMTQG xây dựng nông thôn mới đạt 24%.

Nguyên nhân kết quả giải ngân vốn chậm, theo đại diện vụ chuyên môn của Bộ Tài chính, là do năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện đồng thời cả 3 CTMTQG, trong đó CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN là chương trình mới so với giai đoạn 20216 - 2020, có nội dung phức tạp, được thống nhất từ hơn 100 chính sách dành riêng cho khu vực DTTS&MN. Do vậy các chủ chương trình, chủ nội dung/dự án thành phần cần phải rà soát để đảm bảo việc phân bổ kinh phí không trùng lắp về đối tượng, nhiệm vụ.

Vì vậy, đến tháng 6/2022 mới hoàn thành việc giao dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, CTMTQG giảm nghèo bền vững và đến tháng 9/2022 mới hoàn thành việc giao dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, một số UBND cấp tỉnh còn chậm ban hành các quy định trong tổ chức thực hiện quản lý các CTMTQG theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

Nhiều chính sách hỗ trợ còn dàn trải

Xử lý kịp thời vướng mắc trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Cuộc làm việc diễn ra sáng 28/4.

Qua thảo luận về các nội dung được báo cáo, Tổ Công tác của Đoàn giám sát cho rằng, phân bổ ngân sách tuy cơ bản đảm bảo nguyên tắc tài chính, đầu tư, song chưa đáp ứng được nhu cầu, đề xuất vốn, tiến độ phân bổ để các địa phương triển khai thực hiện. Các chính sách hỗ trợ ban hành nhiều, song còn dàn trải, nguồn lực ngân sách có hạn dẫn đến mức hỗ trợ của Nhà nước thấp, không có tác dụng thay đổi nhanh, bền vững.

Nhấn mạnh tập trung vào khâu tổ chức thực thi 3 CTMTQG, Tổ Công tác đề nghị Bộ Tài chính làm rõ phạm vi, chức trách, nhiệm vụ của Bộ Tài chính; cần tìm ra nguyên nhân việc phân bổ vốn tương đối chậm; đánh giá tính khả thi, tính chính xác của các nội dung trong báo cáo. Đồng thời phải chỉ ra những vướng mắc, cơ chế giải quyết vướng mắc, cơ chế phát hiện để xử lý kịp thời các vướng mắc trong triển khai thực hiện; đề nghị rà soát để sửa lại các vấn đề còn mâu thuẫn, chồng; làm rõ ưu điểm, nhược điểm của kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đại diện vụ chuyên môn của Bộ Tài chính đã giải trình làm rõ một số nội dung mà Tổ Công tác quan tâm như về vấn đề nhà ở, vấn đề giao vốn sự nghiệp, vấn đề giải ngân, về lồng ghép 3 CTMTQG, về mức chi chưa phù hợp… Đồng thời cho biết sẽ tổng hợp các nội dung, tiếp thu tất cả các ý kiến của Tổ Công tác và báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính.

Kết luận cuộc làm việc, Tổ trưởng Tổ Công tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho biết, Tổ Công tác ghi nhận kết quả bước đầu của Bộ Tài chính trong việc triển khai thực hiện các CTMTQG, chia sẻ với những khó khăn mà Bộ đang gặp phải, đồng thời các ý kiến đã chỉ ra được những nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhận diện rõ hơn những việc phải làm trong thời gian tới.

Tổ Công tác cũng đề nghị nhận xét tính phù hợp, từ đó tháo gỡ vướng mắc, kiến nghị việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chủ động rà soát lại các văn bản, thông tư ban hành mà tham gia cùng các bộ, việc tiếp thu của các bộ như thế nào. Trên cơ sở ý kiến của Tổ Công tác, đề nghị Bộ Tài chính chuẩn bị báo cáo với Đoàn giám sát, làm rõ từng nội dung giải ngân của 3 CTMTQG, cung cấp các văn bản trả lời, giải quyết cho các địa phương.

Theo đại diện Bộ Tài chính, những khó khăn, vướng mắc các địa phương phản ánh trong quá trình thực hiện các CTMTQG giai đoạn vừa qua đã được tổng hợp tại Công điện số 71/CĐ-TTG ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025; trong đó tháo gỡ các nội dung cần sửa đổi các quy định tại 3 thông tư quản lý kinh phí sự nghiệp thực hiện 3 CTMTQG của Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG.