Những ngày này đến với các làng nghề cổ truyền của Hà Nội như bánh chưng Tranh Khúc, giò chả Ước Lễ, bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh...sẽ thấy sự nhộn nhịp, náo nức không khí Tết đang đến rất gần.

Làng bánh chưng Tranh Khúc

Làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh chưng. Làng có hơn 100 hộ làm nghề và sống bằng nghề gói bánh chưng. Thời điểm bận rộn nhất của người làng Tranh Khúc là từ mùng 10 tháng Chạp cho đến 30 Tết.

Bánh chứng
Bánh chưng Tranh Khúc. Ảnh: TTXVN

Bánh chưng Tranh Khúc được gói bằng gạo nếp cái hoa vàng, thịt lợn nuôi bằng bỗng rượu ướp với mắm cốt truyền thống và hạt tiêu sọ, đậu xanh hạt to đều và bóng mẩy, bên ngoài được bao bọc bởi lớp lá dong bánh tẻ xanh mướt.

Bánh chưng Tranh Khúc được gói bằng tay nên bánh rất chặt, đều và đẹp. Khi luộc phải đủ giờ, đủ nước bánh mới rền, tỏa hương, nguyên liệu ngấm vào nhau tạo thành vị ngọt, bùi, ngậy...

Bánh chưng Tranh Khúc được làm theo đơn đặt hàng của khách từ hàng chục đến hàng trăm chiếc. Tùy theo cỡ mà mỗi chiếc bánh có giá khác nhau, từ 25.000 đến 50.000 đồng, thậm chí 70.000 đến 100.000 đồng nếu khách có nhu cầu.

Làng Giò chả Ước Lễ

Thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội là một làng cổ. Làng còn một giếng nước rất trong ở cánh đồng gần chùa Sổ. Dân truyền đó là cái huyệt của làng, giếng biểu trưng cho cối giã giò, nhờ vào nguồn nước trong ấy mà nghề làm giò thịnh vượng.

Giò chả
Giò chả Ước Lễ. Ảnh: Vietnamnay

Theo bà Nguyễn Thị Vịnh - chủ sản xuất giò chả lâu đời của làng cho biết: Vị đặc trưng nhất của các sản phẩm giò, chả làng Ước Lễ là ở khâu pha chế, ngon là nhờ sử dụng hương liệu và thực phẩm. Sản phẩm của Ước Lễ dùng nguyên liệu tươi. Tỷ lệ nạc, mỡ được pha trộn theo thị hiếu của người tiêu dùng.

Một cân giò lụa hiện nay thường có tỷ lệ pha là 9,5 lạng thịt nạc và 0,5 lạng thịt mỡ. Mỡ cho vào sản phẩm chỉ nhằm lấy độ ngậy cho giò hay chả. Nếu đúng là giò Ước Lễ thì phải thơm mùi lá chuối khi ăn.

Chả quế thì phải có hương của thảo quả và quế. Và một điều không thể thiếu để làm nên những cây giò, chả đặc trưng ở Ước Lễ là phải có nước mắm ngon.

Nếu giò lụa là "quận chúa" của các món luộc thì chả là "hoàng đế" của các món nướng, rán từ thịt lợn. Chả quế là món thượng hảo. Công đoạn sơ chế thịt như giò lụa, chỉ có điều khi thịt giã nhuyễn thì thúc thêm bột quế.

Tiếp theo lấy ống bương (dài 80 cm, đường kính 13-15 cm) phết lớp mỡ xung quanh rồi đắp một lớp thịt mỏng lên, sao cho dính mà không chảy xệ, sau đó trải trên bếp than hoa hồng rực. Cứ thế đắp tiếp lớp 2 lớp 3 và xoay tròn.

Nướng chín đơm ra lấy nước hoa hiên (màu vàng, hương thơm) có pha chút mật ong phết lên mặt chả quế. Quấn chả quế nhuộm hoa hiên vào ống bương se mặt.

Ăn miếng chả quế dậy mùi thơm thịt nướng, hương vị thơm cay hấp dẫn của quế chi, thơm ngọt của mật ong, phảng phất mùi thơm quí phái "như thực như mơ" của hoa hiên...

So với chả quế thì chả rán lại có dư âm riêng. Thịt mỡ cùi dày, cứng, trần qua nước nóng thái hạt lựu thúc với thịt nạc đã giã và hấp cách thủy ở dưới luộc giò. Khi bỏ ra hấp màu hoa hiên bỏ vào chảo mỡ sôi rán vàng rộm. Chả rán ăn bùi béo, lạ miệng.

Bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh

Nói đến sản phẩm bánh - mứt - kẹo tại đất Hà thành, đặc biệt là mứt Tết hàng năm không ai không biết đến xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm trước đây, nay thuộc phường Xuân Tảo quận Bắc Từ Liêm.

Bánh mứt
Bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh. Ảnh: vivuhanoi

Trong suốt lịch sử phát triển trên 100 năm cùng với nhiều sản phẩm đa dạng và phong phú, với nhiệt huyết, đam mê cùng đôi tay khéo léo của những nghệ nhân tài hoa, kết hợp với bí quyết gia truyền để tạo ra những chiếc bánh, những hộp mứt thơm ngon, độc đáo, mang đậm hương vị truyền thống nhưng vẫn tinh xảo, hiện đại.

Đó là từ chính những loại rau củ bình thường nhất hàng ngày như bí, lạc, dứa, khoai, gừng, sầu riêng, cà chua, hồng, lê, quất, dừa... người dân Xuân Đỉnh đã làm nên những hộp mứt vừa ngon, vừa đẹp mắt.

Ấy nhưng trong những thứ mứt đa dạng đó thì mứt bí giản dị vẫn đứng hàng đầu, được yêu thích nhất và cũng là "sở trường" của làng mứt Xuân Đỉnh.

Làng nghề bánh - mứt - kẹo Xuân Tảo không chỉ giúp giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương mà còn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đồng thời phát huy giá trị truyền thống làng nghề địa phương, lưu giữ nét đẹp văn hóa quê hương và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Cứ những ngày chuẩn bị Tết đến xuân về, các hộ dân trong làng lại náo nức thu gom nguyên liệu, tạo ra những mẻ mứt thơm phức, phục vụ nhu cầu người dân khắp các tỉnh miền Bắc./.

Theo TTXVN