Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Theo đánh giá của Bộ Công thương công bố ngày 3/3/2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine nhưng hoạt động XNK hàng hóa của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng khả quan.

Về xuất khẩu, kim ngạch 2 tháng của năm 2022 ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 14,29 tỷ USD, tăng 24,1%, chiếm 26,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39,5 tỷ USD, tăng 5,9%, chiếm 73,4%.

Trong 2 tháng đầu năm 2022 có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52%).

Xuất khẩu hàng hóa khả quan trong 2 tháng đầu năm 2022
Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: TL

Đánh giá trên khía cạnh thị trường XNK hàng hóa chủ lực trong 2 tháng đầu năm 2022, Bộ Công thương cho biết, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 16,83 tỷ USD; nhập khẩu từ Hoa Kỳ ước đạt 2 tỷ USD; xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt 14,83 tỷ USD.

Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 19,7 tỷ USD, nhập siêu từ Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD (xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 7,18 tỷ USD).

Việt Nam suất siêu sang EU ước đạt 5,04 tỷ USD, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 236 triệu USD (cùng kỳ năm 2021, nhập siêu 237 triệu USD); nhập siêu từ Hàn Quốc 6,16 tỷ USD; nhập siêu từ ASEAN 1,75 tỷ USD.

Tháng 2 ước tính Việt Nam nhập siêu 2,33 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 937 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,6 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,96 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,02 tỷ USD.

Gia tăng xuất khẩu từ các FTA

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhất là xung đột tại Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng đến hoạt động XNK hàng hóa toàn cầu, Bộ Công thương khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tận dụng cơ hội ưu đãi thuế quan từ các FTA.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, ngành công thương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, hướng dẫn doanh nghiệp các cơ hội của các FTA quan trọng như: EVFTA, CPTPP, RCEP…

Để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2022, Bộ Công thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả; nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa. Tập trung phát triển xuất khẩu sang các khu vực thị trường và mặt hàng xuất khẩu mới, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các nền tảng số.

Tập trung triển khai có hiệu quả các Chương trình hành động thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết (CPTPP, EVFTA…); khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu thời kỳ 2021-2030.

Đồng thời, ngành công thương cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khơi thông hoạt động xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc, bởi đây là thị trường lớn và tiềm năng của hàng hóa Việt Nam. Kiên định khuyến cáo các thương lái, doanh nghiệp thực hiện mục tiêu “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn”.

Theo đó, các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài cần tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa là tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, từ đó giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu./.