Xuất khẩu tăng trưởng do nhu cầu tăng trong dịp cuối năm

Theo thống kê của Bộ Công thương, tiếp đà phục hồi từ tháng 10, do nhu cầu tăng trong dịp cuối năm, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 tiếp tục tăng trưởng, ước tính đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu tăng so với tháng trước chủ yếu ở nhóm hàng nông sản và nhiên liệu khoáng sản.

Xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh nhờ tận dụng hiệu quả cơ hội từ FTA
Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: TL minh họa

Với kết quả trên, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, nhìn chung, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó có một số thị trường các doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng được những lợi thế của các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, như xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN...

Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2020 chủ yếu là do sự gia tăng trong xuất khẩu than đá và xăng dầu các loại. Trong đó, xuất khẩu than đá tăng mạnh cả về lượng và trị giá xuất khẩu (tăng 150,4% về lượng và 147,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020); xuất khẩu xăng dầu các loại mặc dù chỉ tăng 3,7% về lượng nhưng do giá xuất khẩu tăng cao nên trị giá xuất khẩu tăng tới 48,3% so với cùng kỳ năm trước. sắt thép các loại, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 129,8% so với cùng kỳ năm trước (tăng 37,1% về lượng).

Cụ thể, trong 11 tháng năm 2021, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch ước đạt 84,77 tỷ USD, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50,47 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Thị trường EU ước đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9% và chiếm 11,9% xuất khẩu của cả nước.

Thị trường ASEAN ước đạt 25,89 tỷ USD, tăng 23,2%, chiếm 8,6% xuất khẩu cả nước.

Cán cân thương mại chuyển sang xuất siêu

Theo Cục Xuất nhập khẩu, diễn biến hoạt động thương mại có điểm tích cực là cán cân thương mại đổi chiều, chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 tiếp tục có sự cải thiện khi ước tính xuất siêu 100 triệu USD (tháng 10 xuất siêu 2,85 tỷ USD). Tính chung 11 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 225 triệu USD (10 tháng xuất siêu 160 triệu USD).

Cục Xuất nhập khẩu cũng đánh giá, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi Việt Nam đang khai thác hiệu quả các hiệp định FTA và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế.

Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.

Đặc biệt, ngành công thương tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến, thương mại điện tử. Trong đó, chú trọng công tác hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các Hiệp định thương mại tự do nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA nhằm phát huy có hiệu quả ưu đãi của các hiệp định.

Đồng thời, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới./.