Tiềm năng xanh gắn với nông nghiệp sạch

Xuân này, những tin vui về những con số tăng trưởng trong xuất khẩu nông sản của địa phương mình, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung không ngần ngại chia sẻ với phóng viên. Vừa rồi là sầu riêng được xuất sang Trung Quốc, macca được xuất sang Nhật Bản, sắp tới còn nhiều thứ nữa… Người dân Đắk Lắk đang rất vui mừng. Lãnh đạo tỉnh cũng đang rất kỳ vọng về hướng đi mới này hứa hẹn rất nhiều tiềm năng, hiệu quả bền vững.

Trở về huyện Krông Năng, nơi đang được xem là “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk. Đúng như lời đồn đoán, phóng viên như bị lạc vào “mê cung” bởi những vườn sầu riêng của bà con thôn, làng đang chuyên canh loại cây đặc sản “vua của các loại trái cây”.

Xuất khẩu nông sản chính ngạch cơ hội “tỷ đô” cho Đắk Lắk
Lễ công bố chuyến hàng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc. Ảnh: Nam Sơn

Tại thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, trước tầm mắt phóng viên bạt ngàn là sầu riêng… Vườn sầu riêng mới trồng cũng có, đang phát triển chuẩn bị thu hoạch rất nhiều, đang cho thu hoạch càng nhiều. Bà con ở đây cho biết, thời điểm vào vụ thu hoạch rộ từ những ngày đầu tháng 9 không khác gì ngày hội. Kẻ mua, người bán tấp nập, xe vận chuyển nông sản ra vào nườm nượp. Niềm vui của nông dân hiện rõ trên gương mặt từng người khi sau bao ngày tháng chăm sóc, sầu riêng được mùa lại bán được giá tốt.

Trong thôn đã xuất hiện một số “tỷ phú sầu riêng”. Điển hình nhất, mới đây thôi, một nữ tỷ phú trồng sầu riêng ở Đắk Lắk được bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022” là người thôn này. Với sức trẻ và sự quyết tâm của mình, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo - sinh năm 1987, đã vươn lên trở thành tỷ phú nhờ trồng và kinh doanh loại trái đặc sản sầu riêng.

Xuất khẩu nông sản chính ngạch cơ hội “tỷ đô” cho Đắk Lắk
Người dân thu hoạch, phân loại trái macca trước khi xuất khẩu. Ảnh: Sơn Nam

Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk hiện có diện tích sầu riêng trên 15.000 ha, sản lượng trên 170.000 tấn (đứng thứ hai cả nước). Chỉ tính riêng huyện Krông Pắk đã có trên 5.000 ha diện tích trồng cây sầu riêng, năm nay ước tổng sản lượng trên 50.000 tấn, giá trị tương đương 3.000 tỷ đồng. “Không chỉ đem lại hiệu quả rất lớn, niềm tự hào lớn nhất của người dân nơi đây là đã khẳng định được sự đổi thay trong cách làm nông nghiệp” - ông Dương chia sẻ.

Hướng đi đúng - cách làm mới

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương chia sẻ, sự kiện xuất khẩu chính ngạch chuyến hàng sầu riêng đầu tiên sang thị trường Trung Quốc và xuất khẩu macca Krông Năng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Nhật Bản có ý nghĩa rất quan trọng với tỉnh Đắk Lắk. Ngoài Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trên thế giới hiện nay, thì Nhật Bản cũng là một trong những thị trường khó tính đã chấp nhận sầu riêng Đắk Lắk. Điều này khẳng định uy tín, chất lượng, thương hiệu nông sản Việt Nam.

Xuất khẩu nông sản chính ngạch cơ hội “tỷ đô” cho Đắk Lắk
Phân loại sầu riêng sau thu hoạch trước khi xuất khẩu. Ảnh: Sơn Nam

Ông Nguyễn Hoài Dương cho biết, để có được những lô hàng nông sản đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và Nhật Bản, các vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở chế biến đã phải chuẩn bị sẵn sàng và trải qua rất nhiều khâu kiểm tra nghiêm ngặt của cơ quan chuyên môn hai nước. Hiện tỉnh Đắk Lắk đã có 23 vùng trồng sầu riêng đáp ứng yêu cầu và được phía Trung Quốc phê duyệt mã số (chiếm 45% mã số vùng trồng được phê duyệt của cả nước). Đối với sản phẩm macca, loại quả đặc sản được mệnh danh là nữ hoàng quả khô, Đắk Lắk cũng đang có diện tích khoảng 2.700 ha, sản lượng 1.400 tấn.

“Luồng gió mới” tạo đà cho Đắk Lắk “cất cánh”

Việc Bộ Chính trị ban hành, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng; đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong vùng trong bối cảnh phát triển mới. Đây được xem như luồng gió mới, tiếp thêm động lực, tạo đà cho Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung chuyển mình cất cánh.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết, thời gian qua tỉnh đang quyết tâm thực hiện chủ trương chuyển mạnh mẽ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng. Tỉnh đã nhất quán chủ trương, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, chất lượng cao, bền vững; ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị, gắn với du lịch, ứng dụng công nghệ cao, có chứng nhận theo chuỗi giá trị, kết nối với công nghiệp chế biến và thị trường.

Dấu mốc của năm 2022, từ chủ trương mới, nhận thức mới và cách làm mới với nhiều hoạt động chuyên canh trồng, chăm sóc, chế biến và lần đầu tiên đưa những lô hàng xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản đặc biệt này sang Trung Quốc và Nhật Bản… dự báo sẽ đem lại nguồn thu ngân sách “tỷ đô” mỗi năm cho địa phương.