Nhu cầu tôm chế biến sâu có xu hướng tăng vào dịp lễ cuối năm
Nhu cầu tôm chế biến sâu có xu hướng tăng vào dịp lễ cuối năm 2023. Ảnh: TL

Nhu cầu tăng trở lại từ các thị trường lớn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu (XK) thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tôm là một trong hai mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt trong một vài tháng gần đây.

Cụ thể, hoạt động XK tôm trong quý III/2023 ghi nhận doanh số cao hơn so với những tháng đầu năm nhờ nhu cầu tăng trở lại ở các thị trường lớn.

Tính đến hết tháng 9/2023, XK tôm đạt 2,55 tỷ USD. Trong đó, XK sang Mỹ và Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Bên cạnh đó, một số thị trường chính trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương như Nhật Bản, Australia, Canada đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Hiện nay, mặt hàng tôm của Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường lớn gồm: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 2 thế giới, với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa cho biết, XK tôm Việt Nam trong tháng 9/2023 nhìn thấy tín hiệu tích cực từ các thị trường như Mỹ, Australia, Canada, Bỉ, Đài Loan với mức tăng trưởng dương từ 1% - 54%. Các thị trường lớn còn lại như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn ghi nhận tăng trưởng âm từ 10% - 26%, tuy nhiên mức giảm đã thấp hơn so với những tháng trước đó.

Đặc biệt, Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam, khi XK tôm sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng dương trong tháng 9, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dương. XK tôm sang Mỹ trong tháng 9/2023 ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất so với 2 tháng trước đó với mức tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, 9 tháng đầu năm, XK tôm sang Mỹ đạt 520 triệu USD, giảm 23%.

Nhu cầu tôm chế biến sâu có xu hướng tăng vào dịp lễ cuối năm
Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Ảnh: TL

Tập trung phát triển sản phẩm tươi và chế biến

Như vậy, với những tín hiệu tích cực hơn từ các thị trường như Mỹ, Canada, Australia, nhu cầu tôm chế biến sâu có xu hướng tăng vào dịp lễ cuối năm, XK tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm nay tiếp tục thu hẹp mức giảm và ghi nhận kết quả tích cực hơn nửa đầu năm.

Theo VASEP, năm 2023, XK tôm dự kiến đạt 3,6 tỷ USD và XK các mặt hàng hải sản khác đạt khoảng 3,5 tỷ USD. VASEP cho rằng, điều cần làm ngay bây giờ của ngành thủy sản là nắm bắt, bám sát tình hình thị trường, trên cơ sở đó giúp người nuôi duy trì sản xuất, duy trì nguyên liệu, đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh.

Đặc biệt, tích cực gỡ “thẻ vàng IUU” của Ủy ban Châu Âu, nếu thành công trong những tháng cuối năm nay sẽ là bệ phóng cho sự tăng trưởng của ngành thủy sản thời gian tới.

Ở góc độ quốc tế, ông Jesper Clausen - Giám đốc toàn cầu về dinh dưỡng và hỗ trợ thủy sản của Tập đoàn De Heus (Hà Lan), đã đưa ra lời khuyên dành cho ngành tôm ở Việt Nam, thay vì để thị trường “dư thừa” nguồn cung khi XK giảm thì các doanh nghiệp có thể tập trung phát triển sản phẩm tươi và chế biến.

Điều quan trọng bây giờ các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam cần tập trung vào tôm chất lượng cao với chi phí thấp. Các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm cơ hội thị trường trong nước để hỗ trợ ngành tôm Việt vượt qua khó khăn.

Các chuyên gia quốc tế cũng khuyến nghị ngành tôm Việt cần tiếp tục tập trung vào tính bền vững và truy xuất nguồn gốc như thức ăn, quản lý trang trại, quản lý dịch bệnh. Cùng với đó, nên tập trung vào tiếp thị ngành tôm Việt. Trên thực tế, ngành tôm Việt Nam tốt hơn rất nhiều so với cảm nhận của nhiều nước châu Âu, cho nên khâu quảng bá cần nỗ lực hơn nữa. Bên cạnh đó, cần tăng cường tính hiệu quả ngay từ cấp vùng nuôi.

Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD (năm 2022 lập kỷ lục là 11 tỷ USD).