Một năm biến động khó lường

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua một năm biến động rất lớn cả về điểm số lẫn thanh khoản. Đây là một năm sẽ rất khó quên đối với những nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán, thành viên thị trường và cả cơ quan quản lý. Sự thay đổi và biến động của thị trường khiến NĐT trải qua nhiều cảm xúc thăng – trầm.

Đánh giá về năm 2022, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, TTCK Việt Nam trong năm 2022 diễn biến phức tạp và chịu áp lực lớn từ biến động của thị trường quốc tế, trước xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước lớn để kiềm chế lạm phát và nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu.

Nhìn lại diễn biến thị trường, nhịp tăng trưởng thăng hoa tiếp tục được duy trì trong quý đầu năm, nhưng sau đó nhịp giảm rất mạnh xuất hiện. Chỉ số VN-Index lập đỉnh lịch sử mới với 1.528,57 điểm vào ngày 6/1/2022, nhưng sau đó đã bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh và đạt mức thấp nhất vào ngày 15/11/2022, với chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 911,9 điểm. Đóng cửa phiên cuối năm, VN-Index dừng lại ở 1.007,09 điểm, giảm gần 32% so với cuối năm 2021. Giá trị vốn toàn thị trường ước đạt 5.278 nghìn tỷ đồng, giảm 32% so với cuối năm 2021, tương đương 62,2% GDP.

Thị trường chứng khoán năm 2023 vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ để phát triển thực chất hơn.
Thị trường chứng khoán năm 2023 vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ để phát triển thực chất hơn.

Cùng với diễn biến không tích cực của điểm số, thanh khoản TTCK cũng sụt giảm đáng kể từ đầu năm đến nay. Tính chung từ đầu năm tới nay, giá trị giao dịch bình quân đạt khoảng 20.360 tỷ đồng/phiên, giảm hơn 23% so với năm trước.

Quy mô thị trường cổ phiếu niêm yết tiếp tục tăng trưởng. Tính đến cuối tháng 11/2022, quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch (ĐKGD) đạt 1.970 nghìn tỷ đồng, tăng 13,26% với cuối năm 2021.

Cũng theo ông Phạm Hồng Sơn, TTCK Việt Nam năm 2022 chứng kiến số lượng tài khoản NĐT chứng khoán tiếp tục gia tăng kỷ lục. Tính cuối tháng 11, tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đã gần 6,8 triệu, tăng 57,7% so với cuối năm 2021.

Cơ hội để thị trường phát triển thực chất

Theo ông Phạm Hồng Sơn, trong thời gian tới, những khó khăn của năm 2022 sẽ còn tác động không tích cực tới kinh tế và TTCK toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Tuy nhiên, “TTCK Việt Nam vẫn có những yếu tố tích cực, kỳ vọng sẽ tạo động lực hỗ trợ cho hồi phục và tăng trưởng” - lãnh đạo UBCKNN cho hay.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo vẫn được duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Cùng với đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết đã cho thấy sức chống chịu tốt và khả quan. Chính phủ và các cơ quan quản lý thời gian cũng đã có những chỉ đạo quan trọng để tháo gỡ khó khăn về thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thị trường bất động sản,… Đây là những yếu tố nội tại quan trọng kỳ vọng sẽ hỗ trợ tốt cho TTCK thời gian tới.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), năm 2023, dù còn khó khăn, song TTCK có cơ hội để chuyển biến tích cực và thực chất hơn. “Năm 2023, áp lực lạm phát sẽ giảm dần. Lãi suất ngân hàng có xu hướng tạo đỉnh và giảm dần. Tỷ giá có chuyển biến tích cực; chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng dần và dòng tiền lớn trở lại khi định giá đang ở vùng hấp dẫn…” - ông Ngọc phân tích.

Vốn ngoại đảo chiều mua ròng ấn tượng

Điểm sáng nổi bật nhất của thị trường chứng khoán năm qua là dòng vốn ngoại đảo chiều ngoạn mục. Khối ngoại bán ròng trong quý I, nhưng bền bỉ mua ròng từ quý II và bùng nổ trong 2 tháng cuối năm. Tính tới cuối năm, khối ngoại đã mua ròng hơn 27.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 1,16 tỷ USD.

Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDIRECT: “Chúng tôi cho rằng năm 2023 cả nền kinh tế cũng như TTCK sẽ có hai nửa diễn biến tương đối khác nhau. Trong những tháng đầu năm 2023, đà tăng của TTCK sẽ khá mong manh và không ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi tự tin hơn từ giữa 2023 và kỳ vọng đà tăng sẽ vững chãi hơn”.

Bên cạnh các yếu tố vĩ mô sẽ bớt màu xám trong nửa cuối năm, ông Đinh Quang Hinh còn cho rằng: “Chúng tôi nhận thấy tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối 2023. Đà tăng trưởng lợi nhuận ròng của doanh nghiệp tích cực sẽ là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của TTCK”.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của các tổ chức tài chính, TTCK Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực, khi dòng vốn nước ngoài đã quay trở lại mạnh mẽ vào cuối năm. Định giá P/E hiện tại vào khoảng 12 lần, trong khi Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia đều cao hơn (khoảng 16 lần). Chỉ số ROE (lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của VN-Index đạt khoảng 15%, cao hơn mức 9 – 10% của các nước trong khu vực. Ngoài ra, kinh tế trong nước tăng trưởng tích cực, những động thái mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước nhằm tăng cường tính minh bạch cho TTCK Việt Nam sẽ tạo nền tảng cho thị trường tiếp tục phát triển bền vững và là yếu tố quan trọng giúp thu hút dòng vốn ngoại.

Tiếp tục xây nền cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững hơn

Theo ông Phạm Hồng Sơn, trong năm 2022, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời góp phần hỗ trợ thị trường vận hành ổn định, liên tục, an toàn. Cùng với việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, trấn an tâm lý nhà đầu tư (NĐT), cơ quan quản lý đã yêu cầu công bố dữ liệu giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán; yêu cầu giải trình các mã tăng trần/giảm sàn 5 phiên liên tục; điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng trong phiên đáo hạn phái sinh;…. Mặt khác, cơ quan quản lý đã tăng cường kỷ cương, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý các trường hợp tung tin đồn thất thiệt và các sai phạm xảy ra trên thị trường.

Hiện nay, UBCKNN đang tiến hành rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để xem xét, trình các cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh hoạt động mới của thị trường chứng khoán (TTCK). Đồng thời, xây dựng các kế hoạch để triển khai thực tiễn Chiến lược Phát triển TTCK đến năm 2030 khi được Chính phủ phê duyệt.

Năm 2023, UBCKNN tiếp tục triển khai tái cấu trúc TTCK, trong đó, cho phép thành lập quỹ đầu tư chứng khoán mới đủ điều kiện theo quy định, tăng cường sự tham gia của các định chế, NĐT chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển NĐT dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm, ... góp phần xây dựng TTCK ổn định, bền vững, giảm các “dư chấn” không mong muốn trước các tác động vĩ mô và tâm lý lên TTCK.

Cũng trong thời gian tới, bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh các dự án đang triển khai, đặc biệt là hệ thống công nghệ thông tin mới, công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm sẽ tiếp tục được tăng cường. Hiện cơ quan quản lý cũng đang triển khai tích cực các giải pháp để thu hút vốn nước ngoài trong bối cảnh mới, trong đó điểm nhấn là công tác nâng hạng TTCK.

“Trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, UBCKNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp, bảo đảm thị trường phát triển ổn định, minh bạch” - lãnh đạo UBCKNN cho biết thêm.