JETRO

Ông Atsusuke KAWADA cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản mong nhận được sự giúp đỡ tích cực hơn nữa của Chính phủ Việt Nam trong hoạt động đầu tư. Ảnh: Thúy Nga

“Tại Việt Nam, cho dù tỷ lệ doanh nghiệp trả lời có thua lỗ là 25,6% nhưng số doanh nghiệp trả lời có lãi vẫn chiếm tới 60%. Nếu tính theo loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp chế xuất hoạt động tốt hơn so với khối sản xuất”, ông Atsusuke KAWADA, Trưởng Đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết tại "Lễ công bố Xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam", diễn ra vào sáng nay (24/2/2014) tại Hà Nội.

Do hoạt động có lãi nên có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tỷ lệ này cao hơn so với nhiều nước khác và coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng. Đồng thời, khoảng 90% doanh nghiệp được hỏi cho rằng lý do chính để họ mở rộng kinh doanh là tăng doanh thu.

Về lợi thế môi trường đầu tư của Việt Nam thì có hơn nửa doanh nghiệp đánh giá là quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng và tình hình chính trị - xã hội ổn định. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn được xếp ở vị trí thứ 4 trong số 15 nước có nguồn lao động dễ tuyển dụng.

Bên cạnh những ưu thế hấp dẫn thì các doanh nghiệp Nhật Bản cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề, yếu tố được coi là rào cản không nhỏ cho sự đầu tư. Cụ thể, môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn có tới 5 hạng mục bị đánh giá là có mức độ rủi ro cao khi đầu tư, như chính sách pháp luật, thủ tục hành chính, chế độ thuế quan, chi phí nhân công tăng.

Nếu như năm 2012 thủ tục hành chính phức tạp xếp vị trí đầu tiên trong 5 hạng mục này, thì năm 2013 vẫn đứng ở vị trí thứ 3; chế độ thuế, thủ tục thuế quan phức tạp vẫn ở vị trí thứ 4 trong năm 2013.

Bên cạnh đó, khó khăn trong nội địa hóa nguyên liệu, vật tư vẫn không thay đổi từ năm 2012 đến 2013. Tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ chiếm 32,2%, trong khi của Trung Quốc tới 64%, Thái Lan 53%, Malaysia 42%...

Riêng về vấn đề tiền lương, theo JETRO tỷ lệ tăng lương tối thiểu của Việt Nam có sụt giảm theo tình hình kinh tế suy thoái, nhưng vẫn còn ở mức cao so với nhiều nước…

Trước những kết quả thu được, ông Atsusuke KAWADA kiến nghị, mặc dù thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã không ngừng cải tiến các thủ tục hành chính, thủ tục hải quan … tuy nhiên mức độ còn chậm, vì vậy thời gian tới công tác này cần phải được thực hiện một cách nhanh chóng, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, để nâng cao tính cạnh tranh về chi phí thì việc tăng tỷ lệ nội địa hóa (đặc biệt là tỷ lệ mua từ doanh nghiệp Việt Nam) là vô cùng cần thiết, đồng thời không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài, mà Chính phủ cần hỗ trợ cả doanh nghiệp trong nước hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Cuối cùng, ông Atsusuke KAWADA cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản có định hướng mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Vì thế họ mong muốn tuân thủ pháp luật, hợp tác với Việt Nam, hoạt động cởi mở và lành mạnh. Các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ tích cực của Chính phủ Việt Nam.

Chương trình khảo sát năm 2013 của JETRO tiến hành dựa trên kết quả báo cáo khảo sát tình hình hoạt động của gần 9.400 doanh nghiệp Nhật Bản của gần 20 quốc gia tại châu Á và châu Đại Dương vào tháng 10-11/2013. Tại Việt Nam, JETRO đã thu được câu trả lời hợp lệ từ 435 doanh nghiệp (trong đó Bắc Trung Bộ: 221 doanh nghiệp, Nam Bộ: 214 doanh nghiệp, tỷ lệ trả lời đạt 74,4%).

Thúy Nga